Ông Duterte muốn bàn phán quyết của tòa: Trung Quốc lên tiếng

Tờ Manila Bulletin dẫn lời người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết Bắc kinh vẫn giữ vững quan điểm phán quyết trọng tài ở biển Đông. Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết ông có ý định nêu vấn đề phán quyết với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm chính thức tới Bắc Kinh trong tuần này.

“Trước hết, quan điểm của Trung Quốc về phán quyết của trọng tài đối với biển Đông không hề thay đổi. Sự thật đã chứng minh rằng nếu chúng ta xử lý vấn đề này một cách hợp lý, hòa bình và ổn định khu vực vẫn được giữ vững” - ông Cảnh Sảng nói trong một cuộc họp báo tại Bắc Kinh cuối tuần qua.

Trung Quốc đã từ chối tuân theo phán quyết do Tòa trọng tài thường trực tại La Hay đưa ra vào ngày 12-7-2016 tuyên bố đường chín đoạn của Bắc Kinh đưa ra không có giá trị pháp lý.

Tổng thống Duterte trước đó đã nói không gì có thể ngăn ông đề cập đến phán quyết của trọng tài với người đồng cấp Trung Quốc và không ai có thể kiểm soát những gì ông sẽ nói.

“Là người đứng đầu một quốc gia có chủ quyền, nếu tôi không thể nói bất cứ điều gì tôi muốn thì chúng ta tốt nhất là đừng nói chuyện" - ông Duterte nói.

Ông Duterte sẽ có mặt tại Trung Quốc từ ngày 28-8 đến ngày 1-9. Dự kiến ông Duterte sẽ có cuộc hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình tại Bắc Kinh và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết ông Duterte cũng sẽ gặp Phó Chủ tịch nước Vương Kỳ Sơn. Sau đó hai ông sẽ cùng đến giải Vô địch bóng rổ Thế giới (FIBA World Cup) tại Quảng Đông để xem đội bóng rổ Philippines Gilas Pilipinas đối đầu với Ý.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng. Ảnh: Manila Bulletin

Ông Cảnh Sảng cũng nhấn mạnh rằng Philippines là “người hàng xóm thân thiện của Trung Quốc” và cũng là đối tác quan trọng trong sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).

“Kể từ khi Tổng thống Duterte nhậm chức, quan hệ Trung Quốc - Philippines đã được củng cố và tăng cường. Chúng tôi đã tìm kiếm sự phối hợp giữa BRI và chương trình xây dựng của Philippines. Kết quả mà cuộc hợp tác này dạt được rất khả quan” - ông Cảnh nói.

Ông Cảnh cho biết Trung Quốc tin rằng chuyến thăm sắp tới của ông Duterte sẽ mang đến động lực mới cho sự phát triển quan hệ hai bên.

“Trung Quốc có tầm quan trọng cao trong mối quan hệ với Philippines. Chúng tôi muốn tăng cường hơn nữa sự tin tưởng lẫn nhau và mở rộng hợp tác trên thực tế để đảm bảo sự phát triển ổn định và bền vững trong mối quan hệ này” - ông Cảnh nói thêm.

Khi được hỏi về việc tàu quân sự Trung Quốc đi vào vùng biển Philippines mà không thông báo, ông Cảnh cho biết Bắc Kinh sẵn sàng đối thoại với quốc gia có liên quan “dựa trên luật pháp quốc tế để cùng nhau bảo vệ an ninh và trật tự hàng hải”.

Mối lo ngại "khai thác chung" với Trung Quốc

Một trong những tâm điểm trong chuyến thăm tới đây của ông Duterte đến Trung Quốc, liên quan đến việc đưa phán quyết của tòa ra thảo luận, đó là ý định khai thác chung với Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines. 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Philippines vào tháng 11-2018 đã ký một bản ghi nhớ (MOU) về khai thác chung ở khu vực trong EEZ của Philippines. Chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte, dù chưa chính thức “bắt tay” với Bắc Kinh nhưng nhiều lần lên tiếng hoan nghênh đề xuất “ăn chia” 60/40 của Trung Quốc mà Manila “được” phần lớn hơn.

“Đề xuất (khai thác chung) với tỉ lệ 60/40 nghiêng về phía chúng ta là một khởi đầu tốt. Tôi hy vọng rằng điều này sẽ dẫn tới một kết quả nào đó tích cực, như làm thế nào chúng ta có thể giải quyết một cách hòa bình phán quyết của Tòa trọng tài” - ông Duterte phát biểu, theo đài ABS-CBN News đưa tin hôm 21-8.

Các thượng nghị sĩ Philippines khẳng định Tổng thống Duterte không có thẩm quyền cho phép người nước ngoài khai thác tài nguyên trong EEZ của Philippines, theo báo The Philippine Star. Trong khi đó, thượng nghị sĩ Panfilo Lacson đã lên tiếng chỉ trích người phát ngôn tổng thống Philippines Salvador Panelo khi vị này tuyên bố: Trung Quốc có thể đánh bắt cá trong EEZ của Philippines bởi hai nước là bạn của nhau.

Phó Chánh án Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio nhận định chính phủ Philippines không thể cho phép ngư dân Trung Quốc đánh cá ở EEZ của Philippines vì điều đó vi phạm hiến pháp năm 1987, theo báo The Philippine Star hôm 27-7. Theo Điều 12 mục 2 của hiến pháp, chính phủ Philippines phải bảo vệ các nguồn tài nguyên ở vùng nước quần đảo, lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế, đồng thời đảm bảo đặc quyền khai thác, sử dụng của người dân Philippines ở đó.

“Người dân Philippines có đặc quyền đánh bắt cá, khai thác dầu khí và các khoáng sản khác trong EEZ của họ. Quyền chủ quyền này thuộc về người Philippines và không có bất kỳ quan chức nào có thể từ bỏ quyền này mà không có sự đồng ý của người dân” - ông Carpio khẳng định.

Vị này nói thêm thay vì bắt tay với Trung Quốc, Philippines nên triển khai lực lượng vũ trang Philippines (AFP) để bảo vệ vùng biển của quốc gia, không để lực lượng nước ngoài đến khai thác. Tổng tư lệnh của AFP chính là tổng thống Philippines, người có nhiệm vụ tuân theo hiến pháp, chỉ huy AFP bảo vệ nguồn tài nguyên biển trong EEZ của đất nước mình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới