Ông Duterte nói không biết Mỹ giúp đánh khủng bố

Trước đó, vào ngày 10-6, phía Mỹ khẳng định cho quân đội tiến hành hỗ trợ quân chính phủ trong chiến dịch giành lại quyền kiểm soát TP Marawi thuộc đảo Mindanao, phía Nam Philippines. Quyết định này được đưa ra sau khi có thông tin 13 binh sĩ Philippines thiệt mạng trong một đợt phản công của quân khủng bố Maute, chân rết của tổ chức IS tại Đông Nam Á.

Trả lời họp báo tại TP Cagayan de Oro (cách Marawi gần 100 km), ông Duterte khẳng định “chưa bao giờ tiếp cận Mỹ” để xin giúp đỡ. Ông cũng khẳng định “không hề hay biết” về kế hoạch hỗ trợ của quân đội Mỹ trước khi lực lượng Mỹ đến TP này. Hiện vẫn chưa rõ có phải các tướng lĩnh “thân Mỹ” trong quân đội Philippines đã vượt mặt ông Duterte để yêu cầu tiếp viện hay không. Tổng thống Duterte kể từ khi nhậm chức đến nay đã nhiều lần khẳng định sẵn sàng chấm dứt sự hiện diện của các cố vấn quân sự và sĩ quan huấn luyện Mỹ trên đất Philippines.

Ông Duterte phát biểu tại TP Cagayan de Oro ngày 11-6. Ảnh: REUTERS

Trong thông báo ngày 10-6 vừa qua, Đại sứ quán Mỹ tại Manila đã khẳng định quân Mỹ đang hỗ trợ kỹ thuật cho quân đội Philippines tái chiếm Marawi nhưng cam kết không trực tiếp tham chiến. Phía Đại sứ quán Mỹ cho biết việc hỗ trợ là do chính phủ Philippines yêu cầu.

Trong nhiều năm qua, Lầu Năm Góc đã tổ chức tập trận luân phiên, duy trì từ 50 đến 100 biệt kích hiện diện ở miền Nam Philippines. Lầu Năm Góc cũng xác nhận đã hỗ trợ quân đội chính phủ tại chiến sự Marawi. Theo thông báo, các biệt kích Mỹ hỗ trợ kiểm soát an ninh và tổ chức huấn luyện tình báo, giám sát và trinh sát.

Tiết lộ với hãng tin Reuters, một quan chức Mỹ giấu tên cho biết các biện pháp hỗ trợ của biệt kích Mỹ còn bao gồm cả giám sát và xác định mục tiêu từ trên không, nghe lén, hỗ trợ liên lạc và huấn luyện. Ngày 9-6 vừa qua, một số nguồn tin khẳng định đã thấy máy bay trinh sát P-3 Orion của Mỹ bay qua TP Marawi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm