Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói rằng ông đã yêu cầu người đồng cấp Nga Vladimir Putin để cho Ankara “mặt đối mặt” với chính phủ Syria trong cuộc xung đột ở tỉnh Idlib (tây bắc Syria).
“Tôi đã hỏi ông Putin: “Ngài đang làm gì ở đó vậy? Nếu ngài định thiết lập một căn cứ thì hãy làm đi nhưng hãy tránh đường và để chúng tôi mặt đối mặt với chính phủ Syria” - hãng tin AFP dẫn lời ông Erdogan nói trước báo giới tại TP Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ).
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: SPUTNIK
Tổng thống Erdogan và Tổng thống Nga Putin ngày 28-2 có cuộc điện đàm liên quan tới tình hình ở Idlib.
Ông Erdogan còn cảnh báo rằng chính phủ Syria sẽ trả giá đắt cho cái chết của những binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ còn nói nếu Nga để Damascus mặt đối mặt với Ankara thì “chúng tôi sẽ làm những gì cần thiết”.
Tổng thống Erdogan xác nhận Thổ Nhĩ Kỳ đã mở cửa biên giới với Liên minh châu Âu (EU) cho những người tị nạn Syria và khoảng 18.000 người di cư đã vượt biên đi vào EU.
Theo ông Erdogan, Ankara không thể “giải quyết một làn sóng người tị nạn mới” từ Syria. Trước đó, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết Ankara đã mở cửa biên giới với EU giữa lúc xung đột ở Idlib leo thang.
“Chúng tôi từ lâu đã nói rằng chúng tôi không có nghĩa vụ phải chấp nhận một lượng người tị nạn như vậy. Các ngài đã hứa hỗ trợ chúng tôi nhưng chẳng làm gì cả, vì vậy chúng tôi đã mở cửa biên giới ngày hôm qua. 18.000 người tị nạn đã đi qua và hôm nay con số này sẽ là 25.000-30.000 và chúng tôi sẽ không đóng cửa vì EU phải giữ lời hứa” - ông Erdogan nói, nhắc tới thỏa thuận di trú Thổ Nhĩ Kỳ - EU ký tháng 3-2016.
Hôm 29-2, Bộ Ngoại giao Nga cho hay cuộc điện đàm giữa ông Putin với ông Erdogan đã đưa đến việc xem xét “các bước đi cụ thể” nhằm đạt được “sự ổn định lâu dài ở vùng giảm xung đột Idlib”.
“Hai bên đã xác nhận mục tiêu của họ là xoa dịu căng thẳng trong khu vực trong khi tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố” - Bộ Ngoại giao Nga nói trong một tuyên bố.
Một hệ thống phòng không của Syria. Ảnh: Press TV
Trước đó, tại một cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) về tình hình ở Idlib hôm 28-2, Đại sứ Nga tại LHQ Vasily Nebenzya nhấn mạnh rằng quân đội Syria có quyền loại bỏ khủng bố ở Idlib và bất cứ nơi nào khác trên lãnh thổ của mình.
Nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh Nga không thể hạn chế Syria thực hiện các yêu cầu chống khủng bố mà các nghị quyết của HĐBA đã vạch ra, đặc biệt là khi Damascus làm như vậy trên lãnh thổ của mình.
Ông Nebenzya nói thêm rằng ông hy vọng việc đưa trở lại các thỏa thuận Astana có thể giúp ngăn chặn sự lặp lại một chuỗi sự kiện vốn dẫn tới cái chết của binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.
Về phần mình, Đại sứ Syria tại LHQ Bashar al-Jaafari cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ xâm lược Syria, nói rằng Ankara đang sử dụng các trạm quan sát ở Idlib để cung cấp hỗ trợ cho quân khủng bố. Ông Al-Jaafari nhấn mạnh rằng Syria sẽ làm mọi thứ cần thiết để bảo vệ người dân của mình, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Pháp kêu gọi ngừng bắn, quan ngại thảm họa nhân đạo
Theo báo The Moscow Times, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 29-2 yêu cầu người đồng cấp Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan chấm dứt các hành động thù địch ở Syria và thống nhất một lệnh ngừng bắn lâu dài.
Trong các cuộc điện đàm riêng với từng tổng thống Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Macron cho hay ông “vô cùng quan ngại về thảm họa nhân đạo đang diễn ra” do cuộc tấn công của chính phủ Syria cùng các đồng minh ở tỉnh Idlib.
“Tổng thống Cộng hòa Pháp nhấn mạnh chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch là cần thiết và kêu gọi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ thiết lập một lệnh ngừng bắn bền vững và có thể kiểm chứng như họ đã cam kết với Pháp và Đức tại hội nghị thượng đỉnh bốn bên ở Istanbul mùa thu năm 2018” - tuyên bố của văn phòng tổng thống Pháp nói.
Ông Macron bày tỏ tinh thần đoàn kết với Thổ Nhĩ Kỳ liên quan tới việc 33 binh sĩ nước này bị giết chết trong trận không kích ở Syria. Ông Macron hối thúc Thổ Nhĩ Kỳ hợp tác với EU về dòng người di cư.
Hôm 28-2, truyền thông Hy Lạp đưa tin Athens đã phủ quyết một tuyên bố đã lên kế hoạch của NATO thể hiện sự đoàn kết với Ankara. Hy Lạp ra quyết định này bất chấp sự phản đối từ Mỹ, Anh, Pháp và Đức, theo Sputnik.