Trong bài viết đăng trên tờ The Wall Street Journal hôm 24-8, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho hay Mỹ và Trung Quốc hiện đã bước vào giai đoạn mới của cuộc cạnh tranh giành quyền quyết định trật tự thế giới hiện tại.
Trong bối cảnh này, quân đội Trung Quốc là công cụ đắc lực phục vụ lợi ích của chính quyền Bắc Kinh và là thách thức đáng lo ngại cho bất kỳ quốc gia nào tôn trọng các giá trị như "thịnh vượng, an ninh, tự do và rộng mở", theo ông Esper.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper (phải) và Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 11-2019 của ông. Ảnh: REUTERS
Do đó, ông Esper cảnh báo thế giới cần nhanh chóng chuẩn bị trước mọi kế hoạch hiện đại hoá quân đội của Bắc Kinh nếu không muốn bị Trung Quốc dùng sức mạnh quân sự để cưỡng ép, bắt nạt và xâm phạm chủ quyền.
Điểm chính của sách lược của Mỹ đối phó Trung Quốc
"Quân đội Trung Quốc từ lâu đã công khai ý định hoàn thành tiến trình hiện đại hóa vào trước năm 2035 và trở thành lực lượng quân sự hàng đầu thế giới trước năm 2049. Kế hoạch này nhiều khả năng sẽ bao gồm việc xây dựng kho tên lửa cũng như nâng cao năng lực tác chiến trên không gian mạng và bổ sung công nghệ trí tuệ nhân tạo" - ông Esper tuyên bố.
Nhà lãnh đạo Lầu Năm Góc cũng tiết lộ hiện Bộ Quốc phòng Mỹ đã đề ra một số phương án nhất định để đáp trả toàn diện Bắc Kinh dựa trên hai nguyên tắc là nâng cao chất lượng quân đội Mỹ và tăng cường hiện diện ở những điểm nóng mà Trung Quốc đang nhắm đến. Từ hai nguyên tắc này, có ba việc Lầu Năm Góc cần nhanh chóng thi hành.
Đầu tiên, ông cho rằng khả năng phải đối đầu lâu dài với Trung Quốc yêu cầu Mỹ phải sở hữu lực lượng có thể cạnh tranh, răn đe và chiến thắng ở mọi mặt trận: trên không, trên bộ, trên biển, vũ trụ và không gian mạng.
Mỹ hiện đang đầu tư rất nhiều vào công nghệ thay đổi mà ông Esper đánh giá là sẽ thay đổi hoàn toàn cán cân quân sự hiện nay như vũ khí siêu thanh, hệ thống thông tin liên lạc 5G, hệ thống phòng không và chống tên lửa tích hợp cùng trí tuệ nhân tạo. Ông cho rằng đây là các yếu tố quan trọng để duy trì vị thế của Mỹ trong nhiều thập kỷ tới.
Thứ hai, Mỹ sẽ đẩy mạnh chiến lược mở rộng và củng cố mạng lưới đồng minh, đối tác trên mọi khu vực vì đây là lợi thế mà Trung Quốc không có.
"Trong khi Trung Quốc tiếp tục các hành vi gây hấn đối với các nước láng giềng như đâm chìm tàu cá Việt Nam, quấy rối hoạt động phát triển dầu khí của Malaysia và khẳng định các yêu sách hàng hải trái pháp luật, các lực lượng Mỹ sẽ tiếp tục củng cố quan hệ đối tác lâu dài và bảo vệ quyền lợi của tất cả các nước" - Bộ trưởng Mỹ nêu rõ.
Ông Esper cũng đề cập đến Mỹ và các đồng minh như Úc, Nhật, Philippine nhiều tháng gần đây đã đưa một loạt các cam kết tăng cường hợp tác quốc phòng song phương, chia sẻ thông tin tình báo và tập trận ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Thứ ba, Bộ trưởng Mark Esper cho biết Mỹ tiếp tục hỗ trợ xây dựng năng lực quân sự của các đối tác của Mỹ trên toàn cầu để giúp các nước này có thể phản kháng lại các hành vi gây hấn của Trung Quốc.
Mỹ không thể chống Trung Quốc một mình
"Ba việc làm trên đã thể hiện rõ Washington kiên quyết sát cánh cùng các đồng minh và đối tác trên thế giới chống lại Bắc Kinh, ủng hộ chủ quyền của tất cả các quốc gia và bảo vệ hệ thống quốc tế tự do, rộng mở " - ông Esper khẳng định.
Dù vậy, quan chức này cũng nêu rõ Mỹ không thể một mình gánh vác trọng trách này một mình mà các đồng minh, đối tác của nước này phải cùng nhau chia sẻ.
Ông cho rằng những quốc gia nào có chung một tầm nhìn về một thế giới tự do, công bằng phải nhanh chóng điều chỉnh chính sách ngoại giao với Trung Quốc, tạo một gọng kìm vây quanh Bắc Kinh.
Một ví dụ mà ông Esper đưa ra là hàng loạt quốc gia như New Zealand, Anh, Nhật trong năm nay đã chính thức ban lệnh cấm tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei hoạt động và tham gia phát triển mạng lưới 5G trong nước.
"Tôi cũng khẩn thiết kêu gọi các nước nào nên chấm dứt quan hệ với quân đội Trung Quốc để đảm bảo lực lượng này không thể làm lợi cho chính quyền Bắc Kinh, gây ảnh hưởng đến lợi ích chung của chúng ta" - ông Esper cho hay.