Theo hãng tin Sputnik, ngày 2-10 khi được PV hỏi về khả năng Nga can thiệp các cuộc bầu cử của Mỹ trong tương lai, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói đùa: “Rất có thể”.
“Rất có thể, chúng tôi đã nghe thấy như vậy. Ông ấy (Cố vấn đặc biệt Mỹ Robert Mueller) đã không tìm ra bất cứ chứng cứ nào về việc chúng tôi thông đồng với Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đó nhưng lại tỏ ra lo ngại chúng tôi có thể làm việc này trong tương lai. Thật buồn cười. Bởi vì mọi thứ chúng ta thấy bây giờ trong lĩnh vực chính trị nội bộ của Mỹ vi phạm quan hệ Nga-Mỹ. Ông Putin nói tại sự kiện Tuần lễ năng lượng Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại hội nghị thượng đỉnh G20 hồi tháng 6 tại Nhật Bản. Ảnh: REUTERS
Theo ông Putin, các lực lượng nhất định ở Mỹ đang cố gắng sử dụng lối nói khoa trương chống Nga để công kích ông Trump.
“Chúng tôi thấy những gì đang diễn ra ở Mỹ: một số lực lượng đang sử dụng bất kỳ cái cớ nào để công kích Tổng thống Trump. Hiện giờ đó là Ukraine và tất cả vấn đề liên quan tới Ukraine, ý tôi là các mối quan hệ với Ukraine và Tổng thống Volodymyr Zelenskiy… Điều đó lần nữa khẳng định rằng chúng tôi chẳng liên quan gì tới trò chơi chính trị của Mỹ ngay từ lúc bắt đầu. Họ chỉ tìm kiếm cái cớ để công kích vị tổng thống được bầu chọn”, ông Putin nói.
Dù vậy, nhà lãnh đạo Nga lưu ý Moscow sẵn sàng làm việc với bất kỳ tổng thống nào của Mỹ được người dân bầu chọn.
Bình luận về khả năng nội dung cuộc đối thoại giữa ông với Tổng thống Trump sẽ được công bố, ông Putin cho hay cuộc sống trước đây của ông đã dạy ông biết rằng bất kỳ cuộc trò chuyện nào của ông đều có thể được công khai.
Hôm 30-9, Bộ Ngân khố Mỹ thông báo áp trừng phạt vào hai cá nhân và ba công ty của Nga có liên hệ với một cơ quan nghiên cứu mạng Internet của Nga vì cáo buộc can thiệp bầu cử giữa kỳ năm 2018 của Mỹ.
Mỹ trước đó đã áp trừng phạt vào Nga vì nghi án Nga can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 và bầu cử giữa kỳ 2018. Cố vấn đặc biệt Mỹ Robert Mueller đã mở cuộc điều tra nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ. Sau hai năm tiến hành điều tra, ông Mueller nói không tìm thấy chứng cứ việc Tổng thống Trump và đội ngũ tranh cử của ông thông đồng với các quan chức Nga trong cuộc chạy đua tranh cử chiếc ghế tổng thống Mỹ 2016.
Ông Putin: Không có chứng cứ nói Iran tấn công nhà máy dầu Saudi Arabia
Sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Iran Hassan Rouhani ngày 2-10, Tổng thống Nga Putin nói rằng không có bằng chứng để đổ lỗi cho Iran vụ tấn công gần đây vào hai nhà máy lọc dầu của Saudi Arabia.
“Chúng tôi lên án vụ tấn công này, nhưng chúng tôi chống lại việc đổ lỗi cho Iran bởi không có chứng cứ”, Sputnik dẫn lời Tổng thống Putin ngày 2-10 cho biết.
Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh rằng những ai “đạo diễn” vụ tấn công đã không đạt được mục đích của họ mà chỉ làm ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế toàn cầu và người tiêu dùng.
“Nga lên án những hành động như vậy dù là bất kỳ ai đứng sau. Đây là hành động mang tính phá hủy dẫn tới những hệ quả nghiêm trọng cho thị trường năng lượng toàn cầu. Tuy nhiên, tôi nghi ngờ chuyện những ai đã lên kế hoạch, tổ chức và tiến hành vụ tấn công đạt được các mục đích của họ”, ông Putin nói.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và người đồng cấp Iran Hassan Rouhani. Ảnh: REUTERS
Phát biểu thêm, Tổng thống Putin nói rằng do lệnh trừng phạt của Mỹ, Iran không thể nhận ra những cơ hội của mình, thêm rằng lệnh trừng phạt của Mỹ làm tổn hại nền kinh tế toàn cầu và ngành công nghiệp năng lượng.
“Iran có tiềm năng to lớn, là một người chơi rất lớn trong thị trường năng lượng toàn cầu, nhưng không may, do chính sách trừng phạt của chính quyền Mỹ, Iran không thể nhận ra cơ hội của mình và theo tôi, lệnh trừng phạt rất có hại cho nền kinh tế thế giới nói chung và cho ngành công nghiệp năng lượng toàn cầu nói riêng. Bởi vì nó không đem lại bất kỳ cơ hội nào để đảm bảo hoạt động ổn định trong lĩnh vực này”, ông Putin nói.
Đồng thời, Tổng thống Nga nhấn mạnh Iran có khát khao bình thường hóa quan hệ với Mỹ, mặc dù Tehran tin rằng nước này không có các điều kiện bình đẳng để đối thoại với Washington. Ông Putin nói như vậy để giải thích tại sao nhà lãnh đạo Mỹ và Iran không gặp nhau tại phiên họp gần đây của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York.
Khi được hỏi liệu ông Rouhani có sẵn sàng gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump không, ông Putin trả lời: “Quan điểm của chúng tôi là đối thoại thì luôn tốt hơn đối đầu” và muốn biết thì hãy đi hỏi hai nhà lãnh đạo Mỹ và Iran.
Chủ nhân Điện Kremlin cũng dẫn các cuộc gặp giữa Tổng thống Trump với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un làm ví dụ điển hình của một quyết định dứt khoát, rất cân bằng và hoàn toàn thực tế nhằm bình thường hóa quan hệ căng thẳng giữa hai lãnh đạo Mỹ-Triều.
Hôm 14-9, tập đoàn dầu khí Aramco của Saudi Arabia phải đóng cửa hai cơ sở lọc dầu sau khi bị máy bay không người lái tấn công và bốc cháy. Vụ tấn công làm giảm sản lượng dầu 5,7 triệu thùng mỗi ngày, tức nửa sản lượng dầu hằng ngày của Saudi Arabia.
Nhiều nước gồm Mỹ, Anh, Đức và Saudi Arabia đã đổ lỗi cho Iran đứng sau vụ tấn công. Sau đó, Bộ Quốc phòng Saudi Arabia tổ chức họp báo trưng ra những gì nước này mô tả là chứng cứ tố cáo Iran. Iran đã phủ nhận cáo buộc, chỉ ra rằng phong trào Houthi ở Yemen đã nhận trách nhiệm vụ tấn công.