Ông Shoigu đến Damascus chuẩn bị việc Nga rút khỏi Syria?

 Nguồn: TWITTER

Bộ trưởng Quốc phòng Nga tới Syria

Theo báo Ha'aretz (Israel), trong văn phòng của Tổng thống Syria Bashar al-Assad ở Damascus, họ gần như không có thời gian để dọn dẹp và sắp xếp lại bàn ghế khi có nhiều vị khách quan trọng đã đến thăm trong tuần này. Người đầu tiên phải kể đến là Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu.

Theo trang tin Almasdar News, Bộ Quốc phòng Nga ngày 20-3 đã công bố video biên đội tiêm kích đa năng Su-35 bay trên bầu trời Syria khi thực hiện nhiệm vụ hộ tống máy bay chở Bộ trưởng Shoigu đến làm việc tại Syria.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu. Ảnh: SPUTNIK

Bốn chiến đấu cơ Su-35 chia thành hai cặp, bay sát hai bên chuyên cơ chở quan chức Nga nhằm sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống bất ngờ.

Theo Almasdar News, đây là lầu đầu tiên trong năm nay và là lần thứ hai trong tám tháng ông Shoigu tới Syria. Ông tới Damascus nhằm chuyển một thông điệp từ Tổng thống Nga Putin tới người đồng cấp Syria al-Assad. Tuy nhiên, Almasdar News không nói rõ thông điệp đó là gì.

Những vị khách tiếp theo là Tham mưu trưởng quân đội Iraq Othman al-Ghanmi và người đồng cấp Iran Mohammad Hossein Baqeri.

Vài ngày tới, các phái đoàn từ các quốc gia Ả Rập dự kiến sẽ đến để thảo luận khả năng mời Syria tham gia hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Ả Rập, dự kiến được tổ chức ở Tunisia vào cuối tháng 3.

Trong tuyên bố chính thức, các vị khách tuyên bố rằng họ đến để thảo luận về cuộc chiến chống khủng bố, vấn đề mà thực tế họ có thể nói qua điện thoại. Tuy nhiên, vấn đề trung tâm đáng chú ý là động thái tiếp theo khá bất ngờ của Nga.

Nga tính rút khỏi Syria?

Theo các báo cáo từ Nga và Syria, Tổng thống Putin đã tổ chức một cuộc họp với Ngoại trưởng Sergey Lavrov và Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu. Ông Putin đã chỉ thị họ rút lực lượng Nga ở Syria và quá trình này bắt đầu với lực lượng không quân tại căn cứ không quân Khmeimim ở tây bắc Syria.

Một số báo cáo hôm 19-3 ghi nhận nhóm máy bay Nga đầu tiên, trong đó có tiêm kích bom Sukhoi-34 đã rời Syria và trở về Nga. Ngày hôm sau, có thông tin lại nói các máy bay tấn công của Nga đã được điều trở lại Syria, dường như để tham gia chiến dịch cho khu vực Idlib, nơi tập trung hàng vạn phiến quân.

Một quân nhân Nga (trái) huấn luyện binh sĩ Syria rà tìm vật liệu nổ ở thành cổ Palmyra, Syria. Ảnh: SPUTNIK

Ông Viktor Ozerov, người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng và An ninh tại Thượng viện Nga, ước tính Moscow sẽ để lại khoảng 1.000 nhân viên quân sự ở Syria.

Với động thái này, Nga dường như muốn nói rõ, đặc biệt là với chính quyền ông al-Assad, rằng vai trò quân sự tích cực của Nga gần như đã kết thúc sau khi hoàn thành nhiệm vụ và đưa lãnh thổ Syria trở lại quyền kiểm soát gần như hoàn toàn trong tay ông al-Assad.

Dù vậy, Ha'aretz cho rằng, tuyên bố này có thể không hoàn toàn chính xác. Bởi vì tỉnh Idlib vẫn đang chờ một giải pháp dứt điểm từ Nga và có thể trở thành một chiến trường tàn khốc nếu Thổ Nhĩ Kỳ không duy trì các cam kết với Nga trong việc loại bỏ các thành viên của Jabhat al-Nusra và Jish al-Islam hiện diện tại đó. Đây là hai lực lượng lớn vẫn có sức mạnh quân sự để ngăn chính quyền ông Assad giành lại quyền kiểm soát toàn bộ Syria.

Ảnh chân dung Tổng thống Syria Bashar al-Assad ở Damascus, Syria. Ảnh: AFP

Cũng theo Ha'aretz, trong trường hợp Nga thực sự rút quân, Israel là quốc gia bị ảnh hưởng nhất vì họ thấy Nga là người bảo lãnh quan trọng nhất để chặn sự mở rộng quân sự của Iran ở Syria, đặc biệt dọc biên giới cao nguyên Golan.  

Nếu lực lượng Nga thực sự rút khỏi Syria, Israel hy vọng điều này sẽ cung cấp cho Moscow nhiều đòn bẩy hơn đối với Iran trong việc yêu cầu Tehran rút lực lượng tương tự. Tuy nhiên, vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy Iran có ý định áp dụng động thái giống Nga.

Phát biểu tại Nhà Trắng ngày 20-3, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định mặc dù rút quân nhưng Mỹ sẽ duy trì 400 binh sĩ ở Syria, trong đó 200 binh sĩ ở miền bắc, và 200 binh sĩ ở khu vực Al-Tanf giáp biên giới với Jordan.

Ngoài ra, Tổng thống Mỹ tuyên bố những phần lãnh thổ cuối cùng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria sẽ được các lực lượng do Mỹ hậu thuẫn giải phóng "trong đêm nay”, theo hãng tin RT.

Căn cứ quân sự Nga ở Syria lộ điểm yếu
Căn cứ quân sự Nga ở Syria lộ điểm yếu
(PL)- Một loạt cuộc tấn công nhằm vào những căn cứ quân sự của Nga ở Syria đã phơi bày những điểm yếu đáng lo ngại trong chiến lược của Tổng thống Vladimir Putin nhằm duy trì sự hiện diện quân sự lâu dài ở Syria.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm