Những từ ngữ đầu tiên nói đến vấn đề luận tội ông Donald Trump đã bắt đầu xuất hiện trước bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11-2016. Trang web Politico ngày 17-4-2016 đã đăng bài đánh giá ông Trump hứa hẹn tra tấn bọn khủng bố và giết sạch gia đình đối tượng này là hành vi đủ khởi động quy trình luận tội nếu ông đắc cử.
Gần đây nhất, vấn đề luận tội tổng thống đã được số ít nghị sĩ Mỹ nhắc lại sau khi có nghi vấn ông lộ tin mật cho ngoại trưởng Nga (tiết lộ của báo Washington Post) và ép Giám đốc FBI James Comey ngừng điều tra đối với cựu cố vấn an ninh Michael Flynn về mối liên hệ với Nga (tiết lộ của báo New York Times).
Bảy điều sai phạm
Hôm 18-5, Bộ Tư pháp đã bổ nhiệm cựu Giám đốc FBI Robert Mueller giữ chức công tố viên đặc biệt để giám sát cuộc điều tra xem êkíp tranh cử của ông Trump có liên hệ với Nga hay không.
Trong bài viết đăng trên tạp chí Slate, nhà nghiên cứu Phillip Carter, giáo sư kiêm nhiệm về luật tại ĐH Georgetown, ghi nhận chưa rõ kết quả điều tra thế nào nhưng đến giờ này ông Trump có thể vi phạm những điều sau đây và từ đó có thể dẫn đến bị luận tội.
1. Gây tổn hại đến tính liêm khiết của danh vị tổng thống do vi phạm liên tục điều khoản về lợi tức quy định trong hiến pháp. Ông Trump đã không rút vốn khỏi tập đoàn Trump Organization nên dẫn đến xung đột lợi ích.
2. Vi phạm lời thề pháp định bắt buộc tổng thống phải trung thành thực hiện nhiệm vụ vì ông Trump đã xem thường lợi ích Mỹ và theo đuổi lợi ích thế lực nước ngoài thù địch (Nga).
3. Thay đổi và cản trở các cuộc điều tra do Quốc hội và Bộ Tư pháp thực hiện nhằm xác định quy mô xung đột lợi ích của chính quyền ông Trump và hành vi thông đồng với Nga.
Cụ thể là sa thải Quyền Bộ trưởng Tư pháp Sally Yates, sa thải Giám đốc FBI James Comey, chuyển hướng điều tra của Bộ Tư pháp về Nga, cản trở một số cuộc điều trần trước Quốc hội, chia sẻ tin mật của Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Devin Nunes về điều tra Nga-Trump.
4. Hủy hoại hệ thống tư pháp bằng cách dọa nạt những người có thể ra làm nhân chứng (viết trên Twitter đe dọa James Comey, quấy rối Sally Yates trước điều trần…).
5. Hủy hoại nhiệm vụ tổng thống và hiến pháp bằng hành vi tấn công thường xuyên nhắm vào tính liêm khiết của hệ thống tư pháp và những người đại diện cho hệ thống tư pháp.
Lúc tranh cử, ông Trump đã công kích thẩm phán Gonzalo Curiel. Đến khi vào Nhà Trắng, ông công kích tòa án liên bang về vụ bãi bỏ sắc lệnh cấm công dân một số quốc gia Hồi giáo nhập cảnh.
6. Xúc phạm tính liêm khiết của chính phủ và những người đại diện, đặc biệt là quân đội và các cơ quan tình báo khi vi phạm các nghĩa vụ pháp định buộc hành xử đúng với tư cách người đứng đầu quốc gia và tổng tư lệnh quân đội.
Trong tranh cử ông Trump đã nói nặng cựu tù chiến tranh, những người được trao huy chương và gia đình những người được trao huy chương, chỉ trích quân đội Mỹ ở Iraq, chỉ trích các tướng và đô đốc. Sau khi đắc cử ông đã chê bai quân đội và các cơ quan tình báo, để lộ tin mật.
7. Không làm tròn bổn phận pháp định buộc phải hành xử trung thành với nhiệm vụ tổng thống vì chậm trễ bổ nhiệm giám đốc các cơ quan liên bang.
Ông Trump và thông tin nóng ở Nhà Trắng. Biếm họa của RICK MCKEE (báo The Augusta Chronicle ở bang Georgia, Mỹ)
Cờ trong tay đảng Cộng hòa
Không phải thẩm phán mà các nhà chính trị mới là những người quyết định việc phế truất tổng thống. Thượng viện sẽ giữ vai trò như quan tòa.
GS danh dự André Kaspi ở ĐH Sorbonne (Pháp) giải thích vấn đề phế truất tổng thống đã được quy định trong Điều 2 (khoản 4) Hiến pháp Mỹ: “Tổng thống, phó tổng thống và các quan chức dân sự của Mỹ sẽ bị cách chức khi bị buộc tội phản quốc, tội nhận hối lộ cùng các tội nghiêm trọng khác”. Trong điều này, “các tội nghiêm trọng khác” là từ ngữ mập mờ nhất.
Theo quy trình phế truất, đầu tiên Hạ viện tổ chức biểu quyết theo thể thức đa số tương đối. Nếu đa số ở Hạ viện đồng ý phế truất, Thượng viện sẽ bỏ phiếu đối với từng hành vi bị cáo buộc. Chỉ một hành vi cáo buộc đạt tối thiểu 2/3 số phiếu (67/100 nghị sĩ), tổng thống sẽ bị phế truất.
Từ năm 1789 đến nay, chỉ có ba lần Mỹ khởi động quy trình luận tội tổng thống nhưng không ai bị phế truất. Lần đầu vào năm 1867 với Tổng thống Andrew Johnson và lần thứ hai năm 1998 với Tổng thống Bill Clinton. Hai tổng thống bị buộc tội, cuối cùng Thượng viện tha bổng. Tổng thống Richard Nixon đã quyết định từ chức vào năm 1974 trước khi Hạ viện biểu quyết phế truất.
Cho dù ông Trump gây sóng gió trong giới chính trị, GS lịch sử Corentin Sellin (Pháp) đánh giá muốn phế truất ông Trump cũng không phải dễ.
Đầu tiên, quy trình phế truất phức tạp sẽ phải kéo dài nhiều tháng do vướng các lý do kỹ thuật và pháp lý. Kế đến mọi cáo buộc về ông Trump đến giờ này không có chứng cứ nào cụ thể. Cuối cùng, là điều quan trọng nhất, đảng Cộng hòa đang chiếm đa số ở Hạ viện và Thượng viện không muốn.
Chỉ có các nghị sĩ đảng Cộng hòa ở Hạ viện mới có thể khởi động quy trình luận tội. Trong khi đó, thực sự họ không muốn gây xáo trộn bởi họ muốn giữ ghế nghị sĩ trong bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11-2018.
Chỉ trừ trường hợp nếu các thông tin xấu tiếp tục được tiết lộ và các nghị sĩ đảng Cộng hòa đánh giá ông Trump có thể sẽ cản trở chuyện họ tái cử, lúc đó họ mới chọn thái độ lật ngược tình thế tố ông Trump.
Trong 435 nghị sĩ Hạ viện, nếu toàn bộ 193 nghị sĩ đảng Dân chủ đồng ý luận tội, chỉ cần thêm 12 nghị sĩ đảng Cộng hòa cũng đủ túc số đồng ý phế truất tổng thống.
PGS Jean-Eric Branaa ở ĐH Panthéon-Assas tại Paris (Pháp)đánh giá: “Tôi không nghĩ rằng luận tội tổng thống Mỹ là khả năng đáng tin cậy”. Ông ghi nhận theo thăm dò, cử tri Mỹ ủng hộ ông Trump vẫn còn quá mạnh. Họ cho rằng ông Trump bị hãm hại, báo chí băng hoại tung tin giả.
Vì lẽ đó, các nghị sĩ đảng Cộng hòa bị kẹt giữa cử tri và ông Trump nên họ cho rằng giữ nguyên trạng là giải pháp tốt nhất.
Bốn thông tin mới ngày 19-5 Ngày 19-5, Tổng thống Donald Trump bắt đầu chuyến công du nước ngoài đầu tiên. Chuyến công du kéo dài chín ngày đến Saudi Arabia, Israel, Vatican, NATO (Bỉ) và Ý (tham dự hội nghị thượng đỉnh G7). Chuyên cơ chở ông Trump vừa cất cánh, ở Mỹ đã có thêm thông tin mới về nghi vấn ông “đi đêm” với Nga. Ủy ban Tình báo Thượng viện thông báo cựu Giám đốc FBI James Comey (bị sa thải cách đây 10 ngày) đã đồng ý ra điều trần công khai trước ủy ban. Chủ tịch Ủy ban Tình báo Richard Burr cho biết ủy ban nóng lòng nghe ông Comey giải thích về cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ năm 2016 nhằm làm rõ một số nghi vấn báo chí đã nêu. Trong khi đó, báo Washington Post đưa tin tổ điều tra về ông Trump của FBI đang khoanh vùng một cố vấn Nhà Trắng thân cận với ông Trump. Báo New York Magazine khẳng định đó là Jared Kushner, con rể ông Trump. Kushner đã từng “quên” không báo cáo vụ tiếp xúc với Đại sứ Nga Sergey Kislyak. Trước nay FBI chỉ chú ý đến những người liên quan đến êkíp tranh cử gồm tướng Michael Flynn và cựu giám đốc chiến dịch Paul Manafort. Ngoài chuyện ông Trump để lộ tin tình báo mật với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong cuộc gặp hôm 10-5, báo New York Times ngày 19-5 đưa tin còn một vụ lộ mật nữa. Báo dẫn nguồn tin chính thức khẳng định trong cuộc gặp, ông Trump có nói: “Tôi vừa sa thải giám đốc FBI. Ông ấy điên rồi. Tôi đang đối phó với sức ép lớn về Nga. Sức ép nay đã giảm”. Người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer tuyên bố quả thật James Comey đã gây sức ép nhằm thu hút sự chú ý và chính trị hóa cuộc điều tra của FBI về ông Trump. Ông khẳng định an ninh quốc gia đang bị đe dọa do các cuộc nói chuyện riêng tư bí mật bị rò rỉ. Ngoài ra, đài truyền hình CNN cũng đưa tin Nhà Trắng đã yêu cầu các luật sư tìm hiểu về quy trình luận tội tổng thống. |