Ông Trump - Người dám 'thẳng thắn đối đầu để tạo sự thay đổi'

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đến Việt Nam tối qua 26-2 và sẽ gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un trong hai ngày 27 và 28-2.

Nhân sự kiện này, tạp chí The National Interest (Mỹ) giới thiệu bài viết của Đại tá quân đội Mỹ Douglas Macgregor từng được trao tặng rất nhiều huy chương, một tiến sĩ, tác giả và cố vấn quân sự về vị tổng thống Mỹ đang có mặt ở Việt Nam.

Trong bài viết, Đại tá Macgregor đánh giá hầu hết thời gian tại nhiệm, các tổng thống Mỹ sống trong thế giới nhiều chống đối hơn là ủng hộ, nhiều ngược đãi hơn là được đánh giá đúng. Dù thế có rất ít tổng thống dám thẳng thắn đối đầu sự chống đối để tạo sự thay đổi, như cách Tổng thống Trump đã đối đầu. Cách điều chỉnh chính sách đối ngoại Mỹ ở khu vực Đông Bắc Á đầy tranh cãi của ông Trump là một ví dụ rõ ràng nhất.

Những người không ưa cách làm của ông Trump nói rằng ông không có một phương án quân sự tốt để có thể buộc Triều Tiên phải giải trừ hạt nhân. Trong khi theo các chuyên gia thì kết quả của một cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên sẽ chỉ là làm cho khoảng một triệu người Triều Tiên và hàng ngàn người Mỹ thiệt mạng, mà chưa chắc đã triệt tiêu được hạt nhân Triều Tiên.

Tổng thống Mỹ Donald Trump dám thẳng thắn đối đầu sự chống đối để tìm sự thay đổi. Ảnh: AP

Tổng thống Mỹ Donald Trump dám thẳng thắn đối đầu sự chống đối để tìm sự thay đổi. Ảnh: AP

Khác nhiều người tiền nhiệm, ông Trump có cách nghĩ, cách làm khác về Triều Tiên. Thay vì dễ dàng chấp nhận các đánh giá tình báo và nội dung điều trần của các chuyên gia về Triều Tiên, ông Trump đã quyết định phải vào cuộc giải quyết vấn đề.

Ông Trump bắt đầu bằng việc đưa chủ đề Triều Tiên ra bàn riêng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp tại khu nghỉ mát Mar-a-Lago, thuộc bang Florida (Mỹ). Ông Trump không ngần ngại thể hiện sự không hài lòng với thể chế Triều Tiên, nhưng ông Trump cũng trước sau thể hiện sự tôn trọng của mình với Trung Quốc và các quyền lợi an ninh nước này.

Kết quả từ các cuộc gặp giữa ông Trump với ông Tập là sự thông hiểu lẫn nhau, tạo tiền đề, nền tảng cho sự ủng hộ của Trung Quốc với ông Trump trong những tháng khó khăn tiến tới thượng đỉnh lần một ở Singapore giữa ông Trump với lãnh đạo Kim Jong-un hồi năm ngoái. Ông Trump đã quyết định sức mạnh quân sự của Mỹ chỉ nên là một công cụ của nghệ thuật lãnh đạo đất nước, chứ không phải là yếu tố quyết định.

Với Tổng thống Mỹ Donald Trump, sức mạnh quân sự chỉ nên là công cụ của nghệ thuật lãnh đạo đất nước, chứ không phải yếu tố quyết định. Ảnh: AP

Với Tổng thống Mỹ Donald Trump, sức mạnh quân sự chỉ nên là công cụ của nghệ thuật lãnh đạo đất nước, chứ không phải là yếu tố quyết định. Ảnh: AP

Ông Trump và ông Kim sẽ gặp nhau lần thứ hai tại thủ đô Hà Nội của Việt Nam trong hôm nay và ngày mai nhằm bàn cụ thể hơn thỏa thuận mà hai ông đã đạt được trong cuộc gặp đầu tiên ở Singapore nhằm giải trừ hạt nhân hoàn toàn bán đảo Triều Tiên. Vẫn chưa biết được Triều Tiên quyết tâm thế nào với chuyện xóa bỏ vũ khí hạt nhân và chương trình tên lửa đạn đạo, nhưng theo lời ông Kim nói trước thượng đỉnh hai tuần thì tiến trình này không thể đảo ngược.

Hai tuần trước thượng đỉnh, báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, dẫn lời ông Kim nói với người dân: “Con đường tiến tới hòa bình rất khó khăn và đôi lúc cần phải có sự hy sinh lớn. Chúng ta không thể dừng lại chỉ vì chặng đường phía trước quá dài, và chúng ta cũng không thể thay đổi hay từ bỏ chỉ vì các thách thức và cản trở đang ngăn cản hòa bình”. Phát ngôn của ông Kim có hơn 70 lần đề cập từ “hòa bình”.

Có thể thấy hành động của ông Trump đã mang lại hy vọng cho hòa bình ở bán đảo Triều Tiên. Với châu Á - khu vực đã phải chịu đựng thời gian dài chiến tranh và phá hủy từ cuộc chiến tranh thế giới thứ hai – thì việc tất cả các bên tham gia cuộc chiến tranh Triều Tiên cùng ký một hiệp ước hòa bình chấm dứt cuộc chiến sẽ là một sự kiện bước ngoặt với lịch sử nhân loại.

Như lời cố Thủ tướng Anh Margaret Thatcher từng nói với cố Tổng thống Mỹ George Herbert Walker Bush: “Không có thời gian để dao động”, giờ là lúc ông Trump phải nắm lấy thời khắc ở Hà Nội để phát triển quan hệ giữa Mỹ với châu Á.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm