Tổng thống Trump cho biết sẽ không còn binh sĩ Mỹ ở miền Bắc Syria và cuộc xung đột ở đây chỉ còn giữa lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ và chính phủ Syria. Ông Trump nói thêm các đồng minh người Kurd của Washington chẳng phải là thiên thần và họ biết cách chiến đấu, theo hãng tin RT.
Các thành viên của SDF chuẩn bị tham gia mặt trận chống cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ ngày 10-10. Ảnh: AFP
Trả lời báo giới tại Nhà Trắng sau khi đón tiếp Tổng thống Ý Sergio Mattarella ngày 16-10, Tổng thống Trump tuyên bố: “Đó là cuộc chiến giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Đó không phải là cuộc chiến giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Syria và với Mỹ".
Ông Trump khẳng định rằng đã đến lúc lực lượng Mỹ “về nhà” và rằng ông ưu tiên trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ hơn là chiến đấu trong khu vực.
“Nếu Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào Syria thì đó là vấn đề giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Không phải vấn đề của chúng tôi. Nếu người Syria muốn chiến đấu để lấy lại đất của mình thì đó là tùy thuộc vào họ và Thổ Nhĩ Kỳ” - ông Trump nói.
"Syria có thể nhận được sự trợ giúp từ Nga và điều đó ổn cả” - ông Trump nói tiếp.
Khi được hỏi về các lực lượng tay súng người Kurd - đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống IS, ông Trump nói rằng họ sẽ ổn vì họ biết cách chiến đấu.
“Syria có mối quan hệ với người Kurd và họ không phải là thiên thần, đúng không?" - nhà lãnh đạo Mỹ nhận định.
Tổng thống Trump nhấn mạnh Mỹ đã sẵn sàng giúp đàm phán về tình hình ở Syria. Theo ông Trump, người Kurd ở Syria “được bảo vệ rất tốt”.
Theo hãng tin Sputnik, ông Trump cũng xác nhận binh sĩ Mỹ ở miền Bắc Syria phần lớn ở ngoài khu vực nơi lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ và các tay súng người Kurd đang tham gia chiến đấu.
Ông Trump cũng nói rằng ông tự tin về sự an toàn của các vũ khí hạt nhân Mỹ bố trí tại Thổ Nhĩ Kỳ. Trước đó, các cựu quan chức Mỹ bày tỏ lo ngại về tình trạng của khoảng 50 quả bom hạt nhân cất trữ tại căn cứ không quân Incirlik ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Một số báo cáo cho hay Mỹ đang tìm cách sơ tán những quả bom này khỏi căn cứ giữa lúc Washington và Ankara căng thẳng.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và Ngoại trưởng Mike Pompeo sẽ sớm tới Thổ Nhĩ Kỳ và dự kiến gặp Tổng thống Recep Tayyip Erdogan ngày 17-10. Mỹ đang nỗ lực gây sức ép để buộc Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt chiến dịch quân sự Mùa xuân Hòa bình mà nước này phát động nhằm các tay súng người Kurd ở đông bắc Syria từ ngày 9-10.
Tổng thống Trump đe dọa Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cảm nhận được toàn bộ hậu quả của các lệnh trừng phạt từ Mỹ - những lệnh trừng phạt đủ sức “phá hủy” nền kinh tế Ankara nếu cuộc gặp trên thất bại.
SDF điện đàm với ông Trump
Theo hãng tin Reuters, chỉ huy SDF Mazloum Kobani ngày 16-10 cho biết Tổng thống Trump không phản đối thỏa thuận giữa lực lượng người Kurd và chính phủ Syria nhằm bảo vệ Syria trước cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Kobani, người đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Trump, nói với kênh Rohani TV rằng Nga sẽ bảo đảm thỏa thuận giữa SDF với Damascus.
Người này cho biết thêm thỏa thuận sẽ mở đường cho một giải pháp chính trị, sẽ được thực hiện sau đó với chính phủ Syrira và có thể bảo đảm các quyền lợi của người Kurd ở Syria.
Dân thường người Kurd ở Kobani, Syria, gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ di tản ngày 16-10. Ảnh: AFP
Theo ông Kobani, mặc dù thỏa thuận quân sự này yêu cầu chính phủ Syria triển khai binh sĩ ở các địa bàn của SDF dọc biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ nhưng các báo cáo nói rằng SDF những ngày gần đây đã trao quyền kiểm soát cho chính phủ Syria là không chính xác.
Ông Kobani cho hay lực lượng người Kurd hiện giờ dồn sức để đẩy lùi cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ.
“Cuộc chiến chống IS như chúng tôi đã nói trước đó sẽ không phải là ưu tiên của chúng tôi. Mục tiêu chính của chúng tôi bây giờ là bảo vệ người dân và khu vực của mình” - ông Kobani nói.
Tuy nhiên, các lực lượng của ông sẽ tiếp tục chịu trách nhiệm cho khoảng 12.000 biến binh IS bị bắt giữ trong lãnh thổ của họ, ông Kobani nói thêm.
Các chỉ huy người Kurd từng nói rằng cuộc xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ có thể gây tổn hại cho khả năng của họ trong việc giam giữ hàng ngàn chiến binh nước ngoài cùng người nhà của các tay súng bị bắt trong cuộc chiến chống IS. Giới lãnh đạo người Kurd cũng đã yêu cầu chính phủ các nước đưa công dân của họ trở về.