Tổng thống Trump ngày 10-9 thông báo trên Twitter rằng ông đã yêu cầu Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton từ chức vì sự phục vụ của ông không còn được yêu cầu tại Nhà Trắng. Chủ nhân Nhà Trắng nhấn mạnh rằng ông và những người khác trong chính quyền ông rất không đồng ý với những đề xuất của ông Bolton trong chính sách đối ngoại, theo hãng tin Sputnik.
Cựu Cố vấn Bolton không hòa hợp với những người quan trọng trong chính quyền Mỹ, Tổng thống Trump cho hay trong một tuyên bố, song không nêu cụ thể danh tính những người quan trọng đó.
Cựu Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton (phải) lắng nghe khi Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong một cuộc họp tại Nhà Trắng. Ảnh: AP
“Các bạn biết đấy, John nổi tiếng là người cứng rắn. Ông ấy kiên quyết đưa chúng tôi vào Iraq… nhưng ông ấy thực sự có mối quan hệ rất tốt với tôi… Tuy nhiên, ông ấy không hòa hợp với những người trong chính quyền Mỹ mà tôi xem là rất quan trọng” - Tổng thống Trump cho hay.
Nhà lãnh đạo Mỹ tiếp tục nói rằng có năm người mà ông xem là đủ khả năng để lấp vai trò cố vấn an ninh quốc gia.
“Chúng tôi sẽ có năm người muốn giữ vai trò này rất nhiều” - ông Trump nói với báo giới.
Sự chia rẽ giữa ông Trump và ông Bolton gia tăng trong vài tháng qua, với việc cả hai phàn nàn lẫn nhau về những lập trường chính sách đối ngoại.
Ông Bolton rời khỏi chính quyền ông Trump sau khi bất đồng với tổng thống Mỹ vì những nỗ lực của ông tổ chức đàm phán với Taliban và Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Trong khi ông Trump cho biết ông đã yêu cầu ông Bolton từ chức thì ông Bolton lại nói ông từ chức là quyết định của mình.
Mô hình Libya cho Triều Tiên
Tổng thống Trump chỉ trích “mô hình Libya” về giải trừ hạt nhân của Triều Tiên mà ông Bolton đưa ra, nói rằng đây là một trong nhiều sai lầm khác mà cựu Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ đã mắc phải lúc đương chức.
Theo ông Trump, ông Bolton đã làm bực mình nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khi yêu cầu ông Kim đi theo “mô hình Libya” và giao nộp tất cả vũ khí hạt nhân.
“Ông ấy phạm phải một số sai lầm rất lớn. Ông ấy nói về một mô hình Libya cho ông Kim Jong-un” - ông Trump nói với báo giới tại Nhà Trắng, đồng thời cho biết thêm rằng đây “không phải một tuyên bố tốt để đưa ra”.
John Bolton tại Nhà Trắng năm ngoái. Ảnh: CNN
Nhà lãnh đạo Kim và Tổng thống Trump đã tiến hành đàm phán nhằm giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên trong vài tháng qua. Hồi tháng 2, lãnh đạo hai nước Mỹ-Triều đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai ở Hà Nội, Việt Nam sau cuộc gặp lịch sử diễn ra tại Singapore hồi tháng 6-2018.
Tuy nhiên, hội nghị thượng đỉnh lần hai kết thúc mà không có bất kỳ tuyên bố hay thỏa thuận chung nào được ký. Ông Bolton được cho là thận trọng với các cuộc đàm phán Mỹ-Triều và có nhiều báo cáo nói rằng ông là lý do của sự vắng mặt một thỏa thuận mới giữa Washington và Bình Nhưỡng.
Đầu những năm 2000, sau khi tham gia công ước chung của Liên Hiệp Quốc về loại bỏ vũ khí hóa học nhằm đổi lấy gỡ bỏ trừng phạt, nhà lãnh đạo Libya Muammar Gadhafi đã đồng ý từ bỏ tham vọng hạt nhân của mình.
Ông Bolton “vượt giới hạn” về Venezuela
Tổng thống Trump cũng chỉ ra rằng ông Bolton đi “vượt lằn ranh” về Venezuela, ủng hộ một cuộc đảo chính ở quốc gia Mỹ Latinh này và thúc đẩy nhiều lựa chọn quân sự.
“Tôi không đồng ý với ông John Bolton về thái độ của ông đối với Venezuela. Tôi nghĩ ông ấy đã đi quá giới hạn” - ông Trump nói.
Ông Bolton đã công khai ủng hộ đảo chính ở Venezuela, từng tuyên bố rằng Washington tìm cách thành lập một liên minh về chuyển giao quyền lực từ tổng thống được bầu chọn hợp pháp của Venezuela - Nicolas Maduro cho thủ lĩnh đối lập Juan Guaido, người tự xưng là tổng thống lâm thời của nước này hồi tháng 1.
Ông Bolton đã yêu cầu các quốc gia “quay lưng lại” với chính quyền ông Maduro và nhiều lần khẳng định “tất cả lựa chọn đang được tính đến”, trong đó có khả năng Mỹ can thiệp quân sự vào Venezuela.
Venezuela chìm trong khủng hoảng chính trị kể từ đầu tháng 1-2019 khi ông Guaido tự xưng là tổng thống lâm thời của nước này bất chấp tính hợp pháp của Tổng thống Maduro, người tuyên thệ nhậm chức tổng thống Venezuela nhiệm kỳ thứ hai hôm 10-1.
Động thái của ông Guaido ngay lập tức được Mỹ và các quốc gia khác ủng hộ. Trong khi đó, ông Maduro chỉ trích ông Guaido là “công cụ sai khiến của Mỹ” và cho rằng toàn bộ tình hình là nỗ lực đảo chính do Mỹ sắp đặt.