Ông Trump nói Mỹ sai lầm vì không bán Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ?

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tại hội nghị NATO ở Washington hôm 3-4 cho hay Tổng thống Mỹ Donald Trump thừa nhận rằng chính phủ Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama đã sai lầm khi đã không bán hệ thống tên lửa đất đối không Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ, theo hãng tin TASS.

Ông Cavusoglu tiết lộ ông Trump thừa nhận như vậy trong cuộc điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nhưng không tiết lộ thời điểm diễn ra cuộc điện đàm.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: TASS

Nhà ngoại giao hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ chỉ ra rằng Ankara xem thỏa thuận mua hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-400 từ Nga đã hoàn tất.

Khi được hỏi liệu ông Cavusoglu sẽ nói với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton về lập trường này hay không, nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định: “Nhất định, nhất định”.

“Đó là một thỏa thuận đã được hoàn tất”, ông Cavusoglu lặp lại câu này ba lần khi nhắc tới kế hoạch mua S-400.

“Và thậm chí Tổng thống Trump thừa nhận qua điện thoại rằng đó là một sai lầm của chính phủ Mỹ trước đây khi họ không bán Patriot cho chúng tôi”, ông Cavusoglu nói.

“Chúng tôi đã nhận được một đề xuất gần đây từ Mỹ, song không chắc Mỹ sẽ có thể bán Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ, bởi vì chúng tôi đã không nhận được hệ thống này trong 10 năm rồi. Đó là lý do chúng tôi phải mua hệ thống của Nga. Và chúng tôi cũng đã cố gắng mua vũ khí từ các đồng minh khác nhưng không hiệu quả. Vì vậy, đây là nhu cầu cấp thiết của Thổ Nhĩ Kỳ. Vì mối đe dọa ở bên cạnh, nước nào cũng có tên lửa”, ông Cavusoglu nói thêm.

“Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng chưa đủ khả năng bảo vệ không phận của chúng tôi (các nước thành viên), chứ không riêng Thổ Nhĩ Kỳ”- ông Cavusoglu nhấn mạnh, gạt đi lý lẽ của Mỹ và NATO cho rằng hệ thống S-400 không tương thích với các hệ thống của phương Tây.

Hệ thống Patriot của Mỹ được bố trí tại một căn cứ ở Jaffa, Tel Aviv của Israel. Ảnh: AFP

“Không, chẳng phải như vậy. S-400 không cần phải được tích hợp với hệ thống của NATO và đây cũng không phải mục đích của chúng tôi. Nó được sử dụng cho mục đích của riêng chúng tôi”, ông Cavusoglu giải thích.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ nhắc lại rằng Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã nói rõ rằng bất kỳ quốc gia thành viên NATO nào cũng có thể mua bất kỳ hệ thống nào từ bất cứ quốc gia nào.

Tháng 11-2016 Thổ Nhĩ Kỳ đàm phán với Nga về việc mua hệ thống tên lửa phòng không S-400. Ngày 12-9-2017, phía Nga xác nhận hợp đồng vũ khí này. Mỹ đã tích cực ngăn chặn Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống S-400 từ Nga.

Trước đó, Mỹ từng đề nghị bán tổ hợp tên lửa phòng không Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ với giá ưu đãi thay thế cho S-400, nhưng Ankara sau đó không có bất cứ động thái nào cho thấy họ sẽ hủy hợp đồng với Moscow và tuyên bố sẽ nhận tổ hợp tên lửa S-400 đầu tiên vào tháng 7.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã đặt mua một số tiêm kích F-35 của Mỹ, nhưng các máy bay đầu tiên vẫn đang được sử dụng để huấn luyện phi công tại bang Arizona của Mỹ. Nếu bị Mỹ phong tỏa, các tiêm kích F-35 này khó có thể được chuyển giao cho Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 11 như kế hoạch.

Tuy nhiên, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Shanahan cho biết nếu Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ thương vụ S-400, chương trình F-35 sẽ được tiếp tục triển khai, đồng thời bày tỏ hy vọng Ankara sẽ sớm được bàn giao mẫu chiến đấu cơ này tại căn cứ không quân Luke, bang Arizona.

Hệ thống tên lửa chống tên lửa đạn đạo PAC (Patriot Advanced Capability), gọi tắt là Patriot, được Mỹ phát triển để thay thế hệ thống Nike Hercules (là hệ thống phòng không tầm trung và tầm cao của Lầu Năm Góc) và thay thế hệ thống MIM -23 Hawk (hệ thống phòng không chiến thuật tầm trung của quân đội Mỹ).  Patriot là hệ thống tên lửa đánh chặn đất đối không tầm xa được nhiều "ông lớn" về quân sự trên thế giới ưa chuộng. Hệ thống tên lửa này có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết và độ cao để chống lại các tên lửa chiến thuật, tên lửa hành trình và các loại máy bay tiên tiến khác.

Tầm bắn của Patriot nằm trong khoảng từ 70 - 160 km, trần bắn cao nhất lên đến 24 km và có thể hạ gục các mục tiêu di chuyển với tốc độ Mach 5 (gấp 5 lần vận tốc âm thanh), tương đương gần 6.200 km/giờ. Sở hữu hệ thống radar theo dõi giai đoạn để đánh chặn mục tiêu có hiệu suất cao cùng với những tên lửa thông minh, Patriot có khả năng cùng một lúc nhận biết hơn 100 mục tiêu khác nhau, liên tục theo sát được tối đa 8 mục tiêu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm