Thông tin này được ông Christopher Ruddy, người bạn thân thiết của ông Trump, nói với PBS News Hour ngày 12-6. Ông Ruddy là bạn lâu năm với ông Trump, từng có nhiều cuộc gặp riêng với ông Trump và các cố vấn thân cận.
Cựu Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Robert Mueller ngày 17-5 đã được Thứ trưởng Bộ Tư pháp Rod J. Rosenstein bổ nhiệm làm công tố viên đặc biệt, giám sát điều tra độc lập vụ Nga can thiệp bầu cử Mỹ. Việc bổ nhiệm được thúc đẩy sau khi ông Trump sa thải Giám đốc FBI James Comey lúc ông đang lãnh đạo cuộc điều tra.
Theo Fox News, ý tưởng sa thải ông Mueller có khả năng đến từ các đồng minh thân thiết của ông Trump như nhà chiến lược Nhà Trắng Stephen K. Bannon. Phe Cộng hòa nghi ngờ tính công tâm của ông Mueller, vốn từng là lãnh đạo FBI và có quan hệ thân thiết với ông Comey. Sau phiên điều trần ngày 8-6 của ông Comey, nghi ngờ càng tăng khi ông thừa nhận chủ động rò rỉ các ghi chú về những cuộc trò chuyện với ông Trump cho truyền thông, tạo áp lực buộc chính phủ bổ nhiệm một công tố viên đặc biệt.
Theo trang tin Vox, muốn sa thải ông Mueller, ông Trump có thể viện các lý do: Ông Mueller quá thân với ông Comey; không cần có một cuộc điều tra độc lập; các luật sư ông Mueller thuê có quan hệ với đảng Dân chủ. Một khi ông Mueller bị sa thải dù với bất cứ lý do gì cũng sẽ gây ra một cơn “địa chấn chính trị”, CNN nhận định.
Theo quy định, công tố viên đặc biệt chỉ có thể bị chính Thứ trưởng Rosenstein sa thải với lý do chính đáng. Theo New York Times, nếu muốn ông Mueller ra đi thì ông Trump phải ép được ông Rosenstein ra quyết định sa thải. Nếu ông Rosenstein từ chối, ông Trump sẽ phải “ra tay” với ông Rosenstein trước.
Các lo ngại mới này làm giới quan sát chính trường Mỹ nhớ lại vụ “thảm sát chính trị” tháng 10-1973. Tổng thống Richard Nixon từng yêu cầu Bộ Tư pháp sa thải công tố viên đặc biệt Archibald Cox, người điều tra vụ bê bối chính trị Watergate liên quan đến ông. Cả Bộ trưởng Elliot Richardson và Thứ trưởng Elliot Richardson đều chọn từ chức chứ không làm theo ý ông Nixon.