Ngày 8-4, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) đã họp kín về đơn của Palestine đề nghị được gia nhập LHQ và chuyển đơn này tới Ủy ban của HĐBA về khả năng kết nạp thành viên mới, theo hãng tin Reuters.
Đại sứ Malta tại LHQ - bà Vanessa Frazier đề xuất ủy ban nói trên họp vào chiều 8-4 (giờ địa phương) để xem xét đơn của Palestine, nói thêm rằng quá trình thảo luận, xem xét này sẽ diễn ra trong tháng 4. Malta đang giữ chức chủ tịch HĐBA vào tháng này.
Động thái trên được xem là tín hiệu tích cực đối với Palestine về nỗ lực kéo dài hơn một thập niên của Palestine trong việc tìm kiếm tư cách thành viên đầy đủ của LHQ.
Hơn một thập niên nỗ lực
Phát biểu sau cuộc họp của HĐBA, Quan sát viên thường trực của Palestine tại LHQ Riyad Mansour nói rằng: "Chúng tôi chân thành hy vọng sau 12 năm kể từ khi chúng tôi thay đổi tư cách thành nhà nước quan sát viên, HĐBA sẽ nâng cao vai trò của mình để thực hiện sự đồng thuận toàn cầu về giải pháp hai nhà nước bằng cách thừa nhận nhà nước Palestine là thành viên đầy đủ”.
Tuần rồi, ông Mansour cho hay chính quyền Palestine đang thúc đẩy HĐBA LHQ bỏ phiếu trong tháng này nhằm đưa Palestine trở thành thành viên đầy đủ tại LHQ, theo Reuters.
Ông Mansour hy vọng HĐBA sẽ bỏ phiếu về đơn xin gia nhập của Palestine trong cuộc họp cấp bộ trưởng về Trung Đông vào ngày 18-4 tới, nhưng đến nay vẫn chưa có cuộc bỏ phiếu nào được lên lịch. “Chúng tôi tin rằng đã đến lúc nhà nước của chúng tôi trở thành một thành viên chính thức của LHQ” - Đại sứ Mansour nói.
Trước đó, hãng thông tấn Palestine WAFA đưa tin trong cuộc gặp với nội các mới hôm 31-3, tân Thủ tướng Palestine Mohammed Mustafa phát biểu rằng: “Mục tiêu chính trị của chúng ta là giành được tự do, độc lập và giải phóng khỏi sự chiếm đóng, và chúng ta đang làm việc với các nước Ả Rập và các bên liên quan để có được tư cách thành viên đầy đủ của LHQ".
Vào năm 2011 Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã gửi đơn đăng ký trở thành thành viên thứ 194 của LHQ, theo hãng tin AP. Nỗ lực này đã thất bại vì Palestine không nhận được sự ủng hộ cần thiết của 9 trong số 15 thành viên.
Tuy nhiên đến năm 2012, Đại hội đồng LHQ đã bỏ phiếu thông qua một nghị quyết nâng cấp vị thế của Palestine tại tổ chức này từ “thực thể quan sát viên” lên “nhà nước quan sát viên”. Quan sát viên LHQ sẽ được tham gia các cuộc họp của tổ chức này, nhưng không có quyền bỏ phiếu tại Đại hội đồng.
Triển vọng ra sao?
Trong lần nỗ lực này của Palestine, nhiều nước ủng hộ Palestine đã gửi thư tới Hội đồng Bảo an LHQ để đề nghị cơ quan này xem xét đơn của Palestine về việc trở thành thành viên đầy đủ của LHQ.
Theo AP, các quốc gia này bao gồm 140 nước đã công nhận Nhà nước Palestine, trong đó có 22 thành viên của Liên đoàn Ả Rập, 57 thành viên thuộc Tổ chức Hợp tác Hồi giáo, và 120 nước trong Phong trào Không liên kết.
Tuy nhiên, nỗ lực của Palestine có thể vấp phải sự phản đối từ phía Mỹ, đồng minh thân cận của Israel. Vì Mỹ là thành viên thường trực HĐBA LHQ cho nên việc Washington bỏ phiếu phủ quyết đồng nghĩa việc đơn gia nhập của Palestine sẽ không được thông qua.
Washington nhiều lần nói rằng tư cách thành viên đầy đủ của LHQ phải theo thỏa thuận hòa bình được đàm phán giữa Israel và Palestine.
"Lập trường của chúng tôi không thay đổi” - Phó Đại sứ Mỹ tại LHQ Robert Wood nói hôm 2-4, đồng thời nhắc lại rằng vấn đề tư cách thành viên đầy đủ của Palestine tại LHQ là một trong những vấn đề cuối cùng về quy chế được quyết định trong các cuộc đàm phán song phương giữa Palestine và Israel về thỏa thuận hòa bình.
Ông Wood đưa ra một rào cản đối với nỗ lực của Palestine trong việc có được tư cách thành viên đầy đủ của LHQ, liên quan một đạo luật của Mỹ.
Theo đó, quốc hội Mỹ đã thông qua đạo luật “về cơ bản nói rằng nếu HĐBA chấp thuận tư cách thành viên đầy đủ của Palestine ngoài thỏa thuận song phương giữa Israel và người Palestine” thì Mỹ sẽ cắt toàn bộ nguồn tài trợ cho LHQ.
Trong khi đó, khi được hỏi liệu Washington có sử dụng quyền phủ quyết đối với đơn của Palestine về việc gia nhập LHQ hay không, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller nói: “Tôi sẽ không suy đoán về những gì chưa xảy ra”.
Ông Miller cho biết hoạt động ngoại giao chuyên sâu đã diễn ra trong vài tháng qua nhằm thành lập một nhà nước Palestine với những đảm bảo an ninh cho Israel.
Tuy nhiên, ông Miller nói rằng điều đó nên được thực hiện thông qua các cuộc đàm phán trực tiếp giữa người Palestine và Israel, “điều mà chúng tôi đang theo đuổi vào thời điểm này chứ không phải tại LHQ".
Về phía Israel, Đại sứ Israel tại LHQ Gilad Erdan nói rằng chính quyền Palestine không đáp ứng các tiêu chí cần thiết để trở thành nhà nước trong nỗ lực trở thành thành viên đầy đủ của LHQ.
Hôm 8-4, ông Erdan nói rằng một nhà nước Palestine sẽ là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Israel.
“Việc trao quyền thành lập nhà nước cho Palestine không chỉ là sự vi phạm trắng trợn Hiến chương LHQ mà còn vi phạm nguyên tắc cơ bản mà mọi người có thể hiểu về việc đạt được một giải pháp lâu dài trên bàn đàm phán” - ông Erdan nói.
Quy trình trở thành thành viên đầy đủ của LHQ
Để trở thành thành viên đầy đủ của LHQ, các quốc gia cần thực hiện theo quy trình sau:
Đầu tiên, quốc gia nộp đơn đề nghị trở thành thành viên của LHQ đến Tổng thư ký LHQ và một lá thư chính thức tuyên bố rằng nước này chấp nhận các nghĩa vụ theo Hiến chương.
Sau đó, HĐBA xem xét đơn đăng ký. Bất kỳ đơn xin gia nhập nào cũng phải nhận được phiếu thuận của 9 trong số 15 thành viên hội đồng và không có phiếu phủ quyết từ năm thành viên thường trực (Mỹ, Nga, Anh, Pháp và Trung Quốc).
Tiếp đến, nếu HĐBA thông qua đơn xin gia nhập, đơn sẽ được trình Đại hội đồng xem xét và cần ít nhất 2/3 trên tổng số 193 thành viên Đại hội đồng bỏ phiếu thông qua.
Cuối cùng, tư cách thành viên của quốc gia có hiệu lực kể từ ngày nghị quyết về việc gia nhập được thông qua, theo un.org.
Một quốc gia không thể gia nhập LHQ trừ khi được cả HĐBA và Đại hội đồng chấp thuận.