Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Bùi Văn Đào (Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Trung) cho biết đã phối hợp với Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam và Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam tiến hành lập biên bản thực tế tại khu vực vỡ đập thải của Công ty Cổ phần tập đoàn khoáng sản công nghiệp 6666 (gọi tắt là Công ty 6666).
Khu vực đập chứa bùn thải. Ảnh: PLO.
Theo kết quả đoàn kiểm tra, kích thước vỡ đập với chiều dài 5 m, chiều rộng khoảng 2 m. Khu vực đập thải tạm thời của Công ty 6666 có diện tích khoảng 2 ha, chứa khá lớn khối lượng chất thải từ nhà máy.
“Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng không thấy Công ty 6666 hoạt động khai thác, cũng như vận chuyển quặng thải từ các đập thải. Đặc biệt, xung quanh khu vực Bồng Miêu, nước từ các khe suối đổ ra sông Bồng Miêu có màu đục ngầu nhưng lại không còn tình trạng cá chết. Chúng tôi đã lấy mẫu kiểm tra và làm rõ nguyên nhân”, ông Đào cho hay.
Theo người dân, đêm 16-3, hồ chứa chất thải của nhà máy này ở bãi khai thác vàng Bồng Miêu (xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, Quảng Nam) bị vỡ. Hàng trăm mét khối bùn non chứa chất thải từ việc khai thác vàng đổ ra suối Trang. Sáng hôm sau, người dân phát hiện xác cá nổi lềnh bềnh tại những vùng nước đục. Họ gom xác cá kéo đến Công ty 6666 phản đối.
Bên cạnh đó, người dân không dám lấy nước sinh hoạt cũng như cho trâu bò uống nước.
Theo bà Từ Thị Sa (Phó giám đốc Công ty 6666), nguyên nhân vỡ đập là do ngày 16-3, khi sử dụng xe xúc đất tại khu vực đập thải thì xe bị lầy. Công ty tiếp tục điều một xe xúc khác đến kéo xe bị lầy lên.
“Trong quá trình kéo, công ty có phá một đoạn bờ đập cửa hồ chứa thải. Ngoài ra, đập chứa thải bị đầy và có tràn ra suối Trang rồi chảy ra sông Bồng Miêu. Chúng tôi đã dùng các vật liệu che chắn tạm thời khu vực bị vỡ để không cho chất thải chảy ra ngoài”, bà Sa nói.