Khác với thông thường, danh hiệu “Nhân vật của năm” lần này không được trao cho một cá nhân mà sẽ vinh danh rất nhiều phụ nữ, những người dũng cảm đứng lên tố cáo nạn quấy rối tình dục trong nhiều lĩnh vực. Tạp chí TIME gọi họ là “Silence Breaker”, tạm dịch là Những người phá vỡ sự im lặng. Bắt đầu từ vụ bê bối của ông trùm kinh đô điện ảnh Hollywood Harvey Weinstein, phong trào lên tiếng tố cáo lạm dụng tình dục đã lan tỏa, trở thành một trong những xu hướng xã hội nổi bật nhất trong năm qua. Những người nắm quyền lực trong tay, từ lãnh đạo công ty đến ngôi sao điện ảnh, đến cả những chính trị gia cũng không thoát khỏi làn sóng phẫn nộ.
Ghế nghị sĩ bị lung lay
Ngày 5-12, từ một bệnh viện ở bang Michigan, hạ nghị sĩ John Conyers đã liên hệ với một đài phát thanh địa phương để thông báo: “Tôi nghỉ hưu kể từ hôm nay. Tôi đang sắp xếp kế hoạch và sẽ sớm thông tin chi tiết hơn”. Tuyên bố này được đưa ra giữa lúc nghị sĩ có thâm niên lâu nhất tại Hạ viện Mỹ đang phải đối mặt hàng loạt cáo buộc ông này quấy rối tình dục những nữ trợ lý cũ. Vị nghị sĩ 88 tuổi tiếp tục bác bỏ những cáo buộc ông quấy rối cấp dưới, nói rằng không biết những lời buộc tội này đến từ đâu. “Di sản của tôi không thể bị thỏa hiệp hoặc bị lu mờ bởi những chuyện này. Nó sẽ tiếp tục được lưu truyền qua các con tôi” - ông Conyers nói, đồng thời tuyên bố ủng hộ con trai cả là John Conyers III vận động tranh cử và thay thế ghế của ông ở Quốc hội.
Những tháng gần đây, Conyers liên tiếp chịu sức ép về việc từ chức sau khi nhiều phụ nữ từng là trợ lý của ông tố cáo ông đã quấy rối tình dục họ. Người đầu tiên tố cáo Conyers là bà Elisa Grubbs, từng làm việc cho vị nghị sĩ hơn 10 năm. Ông Conyers mới đây thừa nhận đã chi khoản tiền 27.000 USD hồi năm 2015 để giải quyết một cáo buộc quấy rối tình dục nhưng khẳng định không làm chuyện sai trái. Hồi tháng trước, Conyers đã rời chức vụ nghị sĩ cao cấp thứ hai trong Ủy ban Tư pháp Hạ viện vì các cáo buộc. Ủy ban Đạo đức Hạ viện cũng đã tiến hành điều tra đối với Conyers.
Không riêng gì Conyers, làn sóng tố cáo quấy rối tình dục tại Đồi Capitol còn làm lung lay ghế của một thượng nghị sĩ cấp cao khác thuộc đảng Dân chủ là ông Al Franken. Liên tiếp nhiều phụ nữ từng làm việc cùng Franken khi ông này còn là một “cây hài” chính trị trên sóng truyền hình Mỹ đã lên tiếng cáo buộc ông từng có hành động quấy rối tình dục. Sức ép đòi ông phải từ chức đang ngày càng lớn, không chỉ trong dư luận mà từ chính những nghị sĩ của đảng Dân chủ. Tính đến nay đã có 32 thượng nghị sĩ của đảng này (13 nữ và 19 nam) kêu gọi Franken từ chức. Ngay cả lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện Mỹ là ông Chuck Schumer cũng đã lên tiếng cho rằng Franken nên ngay lập tức từ chức.
Người đầu tiên lên tiếng cáo buộc thượng nghị sĩ Franken là nữ biên tập viên Leeann Tweeden của đài phát thanh KABC tại Los Angeles. Cô cho biết vào năm 2006 từng bị ông Franken, khi đó chưa phải là thượng nghị sĩ Mỹ, sờ mó và ép hôn ngược lại ý muốn bản thân. Hiện đã có ít nhất sáu phụ nữ tiết lộ từng bị ông Franken “động chạm”. Ông Franken hết lần này đến lần khác phải lên tiếng xin lỗi từng có những hành động “vượt quá giới hạn” đối với một số phụ nữ, đồng thời cho rằng ông đã chụp ảnh và tham dự quá nhiều sự kiện nên không thể nhớ từng lỡ có hành động khiến những phụ nữ trên không vừa lòng. Hiện các cáo buộc nhắm vào ông Franken đang được Ủy ban Đạo đức của Thượng viện Mỹ tiến hành điều tra. Một số cáo buộc đã được ông Franken công khai khẳng định là sai sự thật, tuyên bố sẵn sàng phối hợp với ủy ban điều tra.
Ghế nghị sĩ tại Thượng viện của ông Al Franken lung lay vì liên tiếp sáu phụ nữ cáo buộc ông từng có hành vi quấy rối tình dục. Ảnh: CNN
Năm trong số những người phụ nữ và đàn ông được TIME vinh danh là Những người phá vỡ sự im lặng. Ảnh: TIME
Những sóng gió chính trị mà thượng nghị sĩ Al Franken và hạ nghị sĩ John Conyers đang đối mặt chính là hệ quả từ phong trào xã hội “Metoo” - tạm dịch là “Tôi cũng vậy”, phong trào mà theo tạp chí TIME đánh giá là nổi bật nhất của năm 2017 vừa qua. Trên trang bìa tôn vinh “Nhân vật của năm” mà TIME sắp đưa tới đông đảo công chúng vào thứ Sáu tuần này có sự xuất hiện của những phụ nữ danh tiếng và cả những phụ nữ bình dân. Nữ ca sĩ Taylor Swift trong năm nay đã đưa vụ việc bị một DJ sàm sỡ ra tòa, tất cả những gì mà nữ ca sĩ trẻ muốn có được là sự công bằng, là vạch trần hành vi xấu xa và… 1 USD tiền phạt. Nữ diễn viên Ashley Judd xuất hiện trên trang bìa “Nhân vật của năm” với tư cách là một trong những nữ diễn viên đầu tiên lên tiếng tố cáo nhà làm phim Harvey Weinstein trong việc quấy rối hàng loạt đồng nghiệp nữ.
Những gương mặt này đại diện cho vô số những người, đủ mọi giới tính, trong năm 2017 vừa qua đã lên tiếng tố cáo những thủ phạm quấy rối tình dục. Họ đã tạo nên một làn sóng phá vỡ “sự im lặng” vốn tồn tại từ trước đến nay xoay quanh câu chuyện nhạy cảm mang tên quấy rối tình dục, của những người bị hạ nhục một cách trần trụi nhất bởi những người có quyền lực nhiều hơn trong tay. Phong trào bùng lên mạnh mẽ sau khi một loạt nhân vật nam giới nổi tiếng, có quyền lực bị công khai cáo buộc có hành vi tình dục không đúng đắn, bắt đầu từ nhà sản xuất phim Harvey Weinstein của Hollywood. Sau khi tờ The New York Times và tờ The New Yorker đăng những bài báo cáo buộc Weinstein về hành vi tấn công tình dục và quấy rối tình dục, đã có thêm nhiều phụ nữ và thậm chí một số nam giới lên tiếng tiết lộ họ cũng đã từng bị những người nổi tiếng khác sàm sỡ.
Với hashtag #MeToo đang lan truyền với tốc độ chóng mặt trên các mạng xã hội, phong trào này được đánh giá là một sự thức tỉnh văn hóa của năm 2017, bằng cách tạo sức mạnh tập thể cho những người - chủ yếu là nữ giới - đã từng và đang là nạn nhân của quấy rối và tấn công tình dục. “Sự thức tỉnh này có vẻ như đột ngột xuất hiện sau một đêm nhưng thực ra nó đã âm ỉ trong nhiều năm, nhiều thập niên, nhiều thế kỷ” - bài báo công bố danh hiệu của TIME có đoạn viết. “Những người phá vỡ im lặng này đã mở ra một cuộc cách mạng về sự từ chối, tích tụ sức mạnh qua từng ngày và chỉ trong vòng hai tháng qua, cơn giận tập thể của họ đang mang lại kết quả tức thời và ấn tượng: Gần như ngày nào cũng có những vị giám đốc điều hành (CEO) bị sa thải, những ông trùm bị lật đổ, những biểu tượng bị hạ bệ. Trong một số trường hợp, các cáo buộc hình sự đã được đưa ra”.
“Đó là sự thay đổi xã hội nhanh nhất mà chúng ta chứng kiến trong vòng hàng thập niên qua. Nó bắt đầu bằng hành động can đảm của một vài người phụ nữ và đàn ông, những người đã đem câu chuyện của mình ra ánh sáng” - Tổng biên tập TIME Edward Felsenthal nói với NBC News.
Đây không phải là lần đầu tiên TIME chọn nhân vật của năm là một nhóm người. Tạp chí này lý giải khi một nhóm người được chọn, nó có ý nghĩa như một biểu tượng thật sự. Điển hình năm 2014, TIME đã vinh danh những chiến binh chống lại dịch bệnh Ebola. Dù “chiến thắng” thuộc về “những người phá vỡ sự im lặng”, danh sách những cái tên lọt vào “vòng chung kết” năm 2017 rất đáng chú ý. Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đều có tên trong danh sách bình chọn. |