Chiều 10-11, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội (QH) khóa XIV, các đại biểu (ĐB) đã thảo luận tổ, góp ý dự thảo các văn kiện trình Đại hội ĐB toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Đại biểu Đào Thanh Hải (Hà Nội) cho rằng phải có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm. Ảnh: TP
Chống tham nhũng, niềm tin của dân tăng lên
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng công cuộc chống tham nhũng thời gian qua đã làm được nhiều việc mà các nhiệm kỳ trước không làm được. Theo ĐB Nghĩa, chủ trương là chống tham nhũng từ trên xuống, từ trong ra, điều này cực kỳ khó khăn nhưng làm được như vậy, Đảng đã khôi phục được lòng tin của nhân dân.
“Tất nhiên, vẫn còn có điểm nọ điểm kia, vẫn còn hạn chế nhưng cơ bản công cuộc chống tham nhũng vừa qua giúp niềm tin của nhân dân tăng lên rất nhiều” - ĐB Nghĩa nói.
Tuy vậy, ĐB Đào Thanh Hải (Hà Nội) cho rằng sau một loạt vụ việc xảy ra, có tình trạng nhiều cán bộ, đảng viên không dám đổi mới, sáng tạo, diễn ra ở tất cả cấp ngành, địa phương.
“Hầu hết cán bộ, đảng viên gần đây đều xác định làm tròn vai. Đơn cử sáng nay (10-11), HĐND TP Hà Nội triệu tập phiên họp bất thường thông qua kế hoạch đầu tư công. Lãnh đạo TP Hà Nội nói nhiều vấn đề đã phân cấp cho quận, huyện nhưng có nhiều quận sợ, vẫn xin ý kiến HĐND TP để cho chắc” - ông Hải nêu.
Theo ĐB Hải, dự thảo văn kiện có nêu đổi mới, sáng tạo và đột phá để hoàn thành mục tiêu yêu cầu của các nghị quyết nhưng hiện tại trong đổi mới, sáng tạo và đột phá giữa đúng và sai rất mong manh, “vô cùng mong manh”. “Nếu như không bảo vệ được cán bộ dám nghĩ, dám làm thì chắc chắn không ai sáng tạo, không ai dám đổi mới, đột phá” - ĐB Hải nêu.
Theo ông Hải, trong nghị quyết Đại hội Đảng tới đây cần nhấn mạnh vấn đề bảo vệ cán bộ, nếu không thì thực hiện nghị quyết gặp rất nhiều khó khăn. “Khi cán bộ đổi mới, sáng tạo, làm được thì khen, không làm được thì quy trách nhiệm rất nặng nề. Trong khi cái không thành công đó có thể do khách quan đem lại, do tình hình thế giới diễn biến, nhiều vấn đề ảnh hưởng yêu cầu mục tiêu, do đó cần có quan điểm để bảo vệ cán bộ dám đổi mới, sáng tạo và có những quan điểm đột phá” - ông Hải nói và đề nghị phải có cơ chế bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đề nghị thư ký ghi rõ, nhấn mạnh nội dung có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, đổi mới, sáng tạo vì lợi ích chung.
“Tránh biết rồi khổ lắm nói mãi…”
Nêu ý kiến tại tổ của mình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhắc đến việc trong nhiệm kỳ này có nhiều cán bộ cấp cao bị xử lý nhưng việc xử lý là nhân văn và cương quyết.
“Những vấn đề mờ ám, tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm phải được xử lý nghiêm, tạo niềm tin cho nhân dân, không để tình trạng mù mờ, thiếu niềm tin” - Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng đồng ý cần phải thay đổi cơ chế để khuyến khích sáng tạo, tránh các đổi mới, sáng tạo, sáng kiến đi ra nước ngoài.
“Những gì sáng tạo, đổi mới thì Đảng và Nhà nước cần phải ưu tiên phát triển. Nếu không làm được thì đất nước ta nghèo. Phải tháo gỡ để mọi người có thể đóng góp; người tài, người giỏi, tâm huyết với phát triển, chứ không phải “nhân tài như lá mùa thu”” - Thủ tướng nói.
Đặc biệt, Thủ tướng cho rằng cần phải xóa bỏ những cái cũ kỹ, văn hóa lạc hậu, nghi kỵ, thiếu đoàn kết. “Phải là “nhân chi sơ tính bản thiện chứ không phải nhân chi sơ tính cục bộ”, 100 triệu người là một ý chí. Đảng đổi mới sát dân, sát cơ sở, Chính phủ và QH điều hành thể chế tốt, tránh tình trạng biết rồi khổ lắm nói mãi” - Thủ tướng nêu.
Muốn vậy, theo Thủ tướng, phải có cơ chế giám sát để đảng viên gương mẫu, trở thành cán bộ của dân, của Đảng. Thủ tướng nhấn mạnh rằng từ cán bộ cho đến thể chế, vai trò cấp ủy các cấp là rất quan trọng.
ĐB Dương Quốc Anh (Gia Lai) cũng cho rằng cần phải thay đổi chính sách trọng dụng cán bộ chất lượng cao, đặc biệt là với các cháu học ở nước ngoài. Nếu cứ như hiện nay thì các cháu không về vì nếu theo quy định thi công chức hiện nay thì “trượt” hết.
ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đề cập đến vấn đề phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát hiện, bồi dưỡng nhân tài và nói: “Tôi mong rằng phần này phải làm sâu sắc hơn, đặc biệt là phải có sự công minh, bình đẳng trong việc bổ nhiệm cán bộ và cả về mặt cơ hội để họ phát triển”. Theo ĐB Trí, vấn đề công minh, bình đẳng trong bổ nhiệm cán bộ là hết sức quan trọng. “Theo tôi nghĩ là con ai cũng được, miễn là có tài, có đức, có tâm thì phải có cơ chế để họ cống hiến cho đất nước” - ông Trí nói.•
“Hoàn thiện cơ chế bảo vệ hiến pháp” Phải có cơ chế để nhân dân giám sát, có thể thông qua MTTQ hay các hình thức khác, còn dân chủ đại diện phải thông qua QH. Có một số ý mới là giảm số lượng ĐBQH của các cơ quan hành pháp, QH đã thảo luận và khá thống nhất. Tôi cho rằng kể cả ngành tư pháp cũng nên bớt ĐBQH để bớt sức ép và sự xung đột giữa lợi ích ngành của mình, giữa một bên là “mũ” của ngành, một bên là “mũ” ĐB dân cử. Giảm bớt những ĐBQH nhánh hành pháp, tư pháp là để tăng ĐBQH chuyên trách. Về nội dung hoàn thiện cơ chế bảo vệ hiến pháp, nhiệm kỳ trước cũng có tranh luận xem có nên thành lập cơ quan bảo hiến không thì khi đó thống nhất là không. Bây giờ trong dự thảo văn kiện có câu “hoàn thiện cơ chế bảo vệ hiến pháp”. Tôi rất tán thành ý này nhưng cơ chế ấy thế nào phải bàn rõ. Đại biểu TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA, TP.HCM |