Phải giúp ngư dân hiểu 'lợi bất cập hại'

(PLO)- Tuyên truyền làm sao sinh động, dễ hiểu; cảnh báo làm sao để người dân biết sợ, với án phạt vừa tù tội vừa bằng tiền mà họ có thể bị nước ngoài xử lý nếu phạm pháp.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tính đến nay là đúng năm năm ngày Việt Nam bị Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo thẻ vàng IUU. Nỗ lực của Chính phủ, các cơ quan ban ngành là rất lớn, thế nhưng việc tháo gỡ thẻ vàng cần đến sự đồng lòng của hàng trăm ngàn ngư dân ở khắp cả nước.

Nếu gói gọn vấn đề thẻ vàng IUU (chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định), có lẽ sẽ nằm ở hai vấn đề cấp thiết, đó là (i) lòng tham - sinh kế và (ii) đầu tư - giám sát.

Có một vấn đề nảy sinh giữa lòng tham và sinh kế. Quan sát sơ lược các nhóm ngư dân bị các nước bắt vì IUU có thể thấy nhận thức của họ về vấn đề đánh bắt cá trái phép còn quá giản đơn. Chia sẻ của một số người đi biển cho thấy nhiều tàu ra khơi mang theo hàng chục thủy thủ, chủ yếu học vấn thấp và được các chủ tàu hứa hẹn bằng những khoản thù lao hậu hĩnh nếu mang về “ghe đầy cá, thuyền đầy tôm”.

Nhiều chủ tàu không cảnh báo người lao động, thậm chí khuyến khích đánh bắt xa bờ, đánh bắt các loại thủy hải sản quý để mang về lợi nhuận cao. Khi bị lực lượng chức năng phát hiện, thậm chí bị nước bạn bắt giữ, nhóm lao động thuê lãnh đủ, thậm chí chịu án tù. Trong khi đó, chỉ cần vài chuyến tàu “trúng mánh” thì chủ tàu thu về khoản lợi lớn.

Việc nắm bắt động cơ, thu thập bằng chứng và xử phạt các chủ tàu là điều rất khó khăn. Vậy nên việc tuyên truyền và cảnh báo nhắm vào phần đông ngư dân là giải pháp cấp thiết.

Tuyên truyền làm sao sinh động, dễ hiểu; cảnh báo làm sao để người dân biết sợ, với án phạt vừa tù tội vừa bằng tiền mà họ có thể bị nước ngoài xử lý nếu phạm pháp; thông tin làm sao để họ thấy việc đánh bắt cá trái phép suy cho cùng là “lợi bất cập hại”, mà cái lợi thường không bao nhiêu so với án phạt nặng nề họ phải gánh chịu.

Mặt khác, việc quản lý sát sao các chủ tàu để đảm bảo nhận thức và trách nhiệm của họ đối với việc quản lý hoạt động của các tàu là rất cần thiết. Dù còn khó khăn nhưng phải tính các phương án để tránh trường hợp chủ tàu vì lợi ích lớn mà bỏ qua sự an toàn và quyền lợi của các ngư dân trên tàu; giảm thiểu tình trạng dùng lời hứa trả thù lao cao đẩy ngư dân vào tình trạng phạm pháp.

Vấn đề còn lại là “đầu tư” và “giám sát”. Bài học của các nước lân cận cho thấy để gỡ thẻ vàng của EC, họ đầu tư mạnh vào mảng hiện đại hóa lực lượng giám sát, kết nối hệ thống thông tin, dữ liệu… Đầu tư nhiều, đúng chỗ thì giám sát IUU càng hiệu quả. Điều đó buộc Chính phủ và các cơ quan, ban ngành cần có kế hoạch, lộ trình để “số hóa” các hoạt động theo dõi, giám sát, cảnh báo để ngư dân an tâm ra khơi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm