Phân tích mới về ngọn núi lửa đang hoạt động trên sao Kim

(PLO)- NASA cung cấp bằng chứng mới cho thấy một núi lửa đang hoạt động “năng suất” trên sao Kim.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 15-3, những phân tích mới về hình ảnh radar mà Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) thu được hơn ba thập niên trước đã mang lại bằng chứng mới cho thấy ngọn núi lửa trên sao Kim đang hoạt động "năng suất" với nhiều vụ phun trào và các dòng chảy dung nham, hãng tin Reuters đưa tin.

Các nhà nghiên cứu cho biết các hình ảnh radar do tàu vũ trụ Magellan của NASA chụp vào năm 1991 cho thấy một miệng núi lửa rộng khoảng 1,6 km trên bề mặt sao Kim đã mở rộng và thay đổi hình dạng trong khoảng thời gian 8 tháng. Miệng núi lửa nằm trên Maat Mons - ngọn núi lửa cao nhất và là ngọn núi cao thứ hai trên hành tinh sao Kim.

The planet Venus is seen in this photograph taken by NASA's Mariner 10 spacecraft
Hình ảnh sao Kim với một lớp mây dày đặc bao phủ được NASA chụp lại năm 1974.
Ảnh: REUTERS

Hình ảnh vào tháng 2-1991 cho thấy lỗ thông hơi là một hình tròn có diện tích khoảng 2,6 km vuông. Hình ảnh ghi lại vào tháng 10-1991 cho thấy lỗ thông hơi đã thay đổi hình dạng và có diện tích khoảng 3,9 km vuông.

Giáo sư nghiên cứu của Viện Vật lý Địa cầu thuộc Đại học Alaska Fairbanks (bang Alaska, Mỹ) - ông Robert Herrick cho biết: “Chúng tôi chắc chắn rằng lỗ thông hơi của núi lửa ngày càng lớn hơn và có vẻ như đã thay đổi từ hình nón với độ sâu hàng trăm mét thành một mặt bằng phẳng, gần như bị lấp đầy bên trong”.

"Từ tấm ảnh chụp thứ hai, có thể thấy một dòng magma mới chảy vào từ bên dưới lỗ thông hơi, dẫn đến sự hình thành của một hõm chảo rộng hơn, không đều mà tại đó, vẫn có một hồ dung nham đang hoạt động" - ông Herrick nói.

Nhà khoa học nghiên cứu cấp cao chuyên về viễn thám radar tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA ở California (Mỹ) - ông Scott Hensley cho biết: “Trên Trái đất, sự sụp đổ của lỗ thông hơi thường liên quan đến một số loại chuyển động magma. Do đó, chúng tôi nghĩ rằng sự sụp đổ trên sao Kim cũng diễn ra như vậy”.

Ông Herrick cho biết những phát hiện mới cho thấy phun trào trên sao Kim cứ diễn ra sau vài tháng, tương tự như một số núi lửa trên Trái đất ở bang Hawaii (Mỹ), Quần đảo Canary và Iceland.

Đây là bằng chứng mới nhất cho thấy mặc dù thiếu các mảng kiến tạo như Trái đất nhưng sao Kim không phải là “hành tinh chết” như các nhà khoa học đã nói trước đó. Một nghiên cứu công bố vào năm 2020 đã xác định 37 cấu trúc núi lửa dường như đã hoạt động trong 2 triệu đến 3 triệu năm qua.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm