Ba ngày sau vụ tấn công khủng bố ở Paris, chiều 16-11 (giờ địa phương), Tổng thống Pháp François Hollande đã phát biểu trước hai viện Quốc hội tại cung điện Versailles.
Đây là trường hợp đặc biệt bởi theo hiến pháp (sửa đổi năm 2009), Quốc hội chỉ được triệu tập họp tại lâu đài Versailles trong trường hợp nguyên thủ quốc gia phát biểu trước Quốc hội.
Theo báo Le Figaro, bài phát biểu của tổng thống Pháp kéo dài khoảng 45 phút với các điểm chính như sau:
Về đối nội: Tổng thống François Hollande đề nghị các biện pháp:
- Kéo dài tình trạng khẩn cấp trong ba tháng và thông qua cơ chế cụ thể để thực hiện đạo luật ngày 3-4-1955 về tình trạng khẩn cấp (luật đề ra hai biện pháp đặc biệt ngăn chặn khủng bố gồm quản thúc tại nhà và khám xét hành chính).
- Cải cách hiến pháp để phản ứng tốt hơn trong đối phó khủng hoảng vì điều 16 (điều chỉnh các điều kiện ban hành quyền hạn đặc biệt cho tổng thống) và điều 36 (về giới nghiêm) không còn phù hợp nữa. Mục đích cải cách hiến pháp nhằm có thể thực hiện các biện pháp đặc biệt mà không cần ban hành tình trạng khẩn cấp và không ảnh hưởng đến các quyền công dân.
Tổng thống François Hollande phát biểu tại cung điện Versailles. Ảnh: GETTY IMAGES
- Tước quốc tịch của đối tượng khủng bố có hai quốc tịch; bảo vệ quyền phòng vệ chính đáng của cảnh sát và đề nghị thành lập lực lượng vệ binh quốc gia dự bị.
- Tạo 8.500 việc làm mới trong hai lĩnh vực an ninh và tư pháp gồm 5.000 vị trí cảnh sát và hiến binh, bổ sung cho Bộ Tư pháp 2.500 vị trí quản giáo và dịch vụ pháp lý, bổ sung 1.000 vị trí cho hải quan. Ngừng cắt giảm quân số trong quân đội (giảm 9.218 quân) đến năm 2019.
Về đối ngoại: Tổng thống François Hollande đề nghị:
- Tăng cường can thiệp ở Syria để tiêu diệt khủng bố. Đề nghị Hội đồng Bảo an LHQ thông qua nghị quyết về chống khủng bố. Thành lập một liên minh quốc tế chống Nhà nước Hồi giáo bao gồm Mỹ và Nga.
- Xác định kẻ thù của Pháp ở Syria là Nhà nước Hồi giáo.
- Công tác chống khủng bố phải được tiến hành trong khuôn khổ EU căn cứ điều 42.7 của Hiệp ước châu Âu (khi một quốc gia bị tấn công, các quốc gia thành viên EU phải ủng hộ). Đề nghị EU trân trọng đón tiếp người muốn nhập cư và trục xuất những kẻ vi phạm. Tăng cường kiểm soát biên giới ngoài của EU. Đề nghị trước cuối năm 2015 phê chuẩn dự án châu Âu về dữ liệu đối với hành khách đi máy bay (PNR).
Ngày 17-11, tại cuộc họp các bộ trưởng Quốc phòng EU ở Brussels (Bỉ), Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian phát biểu căn cứ điều 42.7 của Hiệp ước châu Âu, Pháp đề nghị các nước EU tăng cường tham gia quân sự trong các chiến dịch ngoài EU.
Ông cũng đề nghị các nước giúp Pháp tấn công Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria trên bình diện song phương. Ông nói: “Pháp không thể đơn độc trên các chiến trường này”. Đây là lần đầu tiên một nước thành viên EU viện dẫn điều 42-7.
Cao ủy Đối ngoại EU Federica Mogherini trả lời: “Nước Pháp yêu cầu giúp đỡ vào thời điểm khó khăn này, vào lúc EU bị tấn công. Tôi nghĩ rằng câu trả lời của EU phải là đồng ý”. Bà cho biết Pháp cần làm rõ giúp đỡ thế nào để EU có cơ chế giúp đỡ.
Trong khi đó đêm 16-11, lần thứ hai trong vòng 24 tiếng, 10 máy bay Rafale và Mirage 2000 của Pháp xuất kích từ Jordan và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất đã ném 16 quả bom xuống các vị trí Nhà nước Hồi giáo ở Raqqa (miền Bắc Syria).
Bộ Quốc phòng Pháp cho biết một trung tâm chỉ huy và một trung tâm huấn luyện đã bị phá hủy. Đêm 15-11, 10 máy bay Pháp đã ném 20 quả bom xuống Raqqa.
50 triệu USD cho thông tin về bọn đánh bom máy bay Nga Báo Le Monde đưa tin sáng 17-11, các tàu chiến Nga trên Địa Trung Hải đã bắn tên lửa hành trình vào căn cứ của Nhà nước Hồi giáo ở Raqqa (Syria). Lần này tên lửa hành trình bay qua không phận Thổ Nhĩ Kỳ. Trước đó, đài truyền hình RT (Nga) đưa tin tối 16-11 tại điện Kremlin, Tổng thống Nga Putin đã dự cuộc họp về kết quả điều tra máy bay Airbus A321 của Nga rơi trên bán đảo Sinai của Ai Cập hôm 31-10 (224 người chết). Trước cuộc họp, những người dự họp đã tưởng niệm các nạn nhân. Giám đốc Tổng cục An ninh Liên bang Nga Alexander Bortnikov báo cáo một quả bom tự tạo có sức công phá 1 kg chất nổ TNT đã được đưa lên máy bay Airbus A321. Do đó máy bay đã vỡ thành nhiều mảnh trên không trung và các mảnh vỡ văng xa trên phạm vi rộng. Kết quả phân tích cho thấy có dấu vết chất nổ trên các mảnh vỡ và vật dụng của hành khách. Tổng thống Putin tuyên bố: “Cái chết của các công dân Nga trên bán đảo Sinai nằm trong các vụ tấn công đẫm máu nhất về số nạn nhân. Chúng ta sẽ không thôi lau nước mắt và chúng ta sẽ không bao giờ quên. Chúng ta sẽ truy tìm và trừng phạt bọn thủ ác. Chúng ta sẽ truy tìm chúng ở bất cứ nơi nào trên hành tinh này và chúng sẽ phải chịu sự trừng phạt”. Ngay sau đó, trên cơ sở điều 51 Hiến chương LHQ (về quyền tự vệ), ông chỉ đạo tăng cường ném bom ở Syria để bọn khủng bố hiểu rằng không thể tránh khỏi trả đũa. Tổng cục An ninh Liên bang Nga thông báo treo thưởng 50 triệu USD cho thông tin liên quan đến bọn đánh bom máy bay Nga, đồng thời đề nghị cộng đồng quốc tế giúp đỡ Nga truy tìm bọn khủng bố. 26 máy bay tiêm kích trên tàu sân bay Charles-de-Gaulle của Pháp gồm 18 máy bay Rafale và tám máy bay Super-Etendard. Tàu đã nhận được lệnh triển khai về hướng đông Địa Trung Hải thay vì đến vùng Vịnh. Với sáu máy bay Rafale ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và sáu máy bay Mirage 2000 ở Jordan, như vậy Pháp đang có 38 máy bay trong khu vực. ________________________________________ Nước Pháp đang chiến tranh… Kẻ thù của nước Pháp là Nhà nước Hồi giáo… Kẻ thù đã chuyển sang một giai đoạn mới. Tổng thống Pháp FRANÇOIS HOLLANDE |