Trước đó, hôm 10-8, lãnh đạo người Kurd ở Iraq Masoud Barzani đã kêu gọi quốc tế cung cấp vũ khí để người Kurd chiến đấu chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo.
Do các nước trong EU không thống nhất được vấn đề này nên EU để cho các nước toàn quyền quyết định. EU đã quyết định chi thêm 5 triệu euro cho người tị nạn Iraq. Như vậy trong năm 2014, EU đã viện trợ cho Iraq tổng cộng 17 triệu euro.
Trong ngày 13-8, văn phòng tổng thống Pháp thông báo Tổng thống François Hollande đã quyết định cung cấp vũ khí cho người Kurd ở Iraq. Bộ Ngoại giao Cộng hòa Czech cũng thông báo đang nghiên cứu khả năng cung cấp vũ khí cho người Kurd ở Iraq thông qua các công ty tư nhân.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel thông báo đã điều động thêm 130 cố vấn quân sự đến Erbil (thủ phủ vùng tự trị người Kurd ở Iraq) với nhiệm vụ đánh giá nhu cầu của người tị nạn dòng Hồi giáo thiểu số Yazidi. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thông báo Mỹ đang xem xét phương án sơ tán khẩn cấp người tị nạn Iraq chạy vào vùng núi trốn phiến quân.
Cao ủy LHQ về người tị nạn cho biết tình trạng hiện nay rất cấp bách. Hàng chục ngàn người tị nạn không có thức ăn, nước uống trong núi Sinjar (Iraq) dù Mỹ, Anh, Pháp đã thả dù tiếp tế. Nhiều người chấp nhận đói khát tìm cách chạy sang Syria (ảnh) để đến vùng tự trị người Kurd.
Liên quan đến tình hình nội bộ Iraq, ngày 13-8, sau LHQ, Mỹ, EU, Pháp, Anh, các nước Iran, Saudi Arabia và Liên đoàn Ả Rập đã lên tiếng khen ngợi quyết định của Tổng thống Iraq Fuad Masum chỉ định Thủ tướng mới Haider Al-Abadi. Mỹ đã kêu gọi ông Haider Al-Abadi nhanh chóng thành lập chính phủ bao gồm nhiều thành phần chính trị.
Tuy nhiên, Reuters đưa tin Thủ tướng sắp mãn nhiệm Nouri al-Maliki vẫn tuyên bố sẽ tiếp tục ở lại cầm quyền trong khi chờ đợi tòa án phán quyết về đơn kiện tổng thống chỉ định thủ tướng mới là vi hiến.
D.THẢO