Pháp hôm 28-7 đã kêu gọi cử một phái đoàn quan sát viên do Liên Hợp Quốc chủ trì nhằm đánh giá việc đối xử với người Duy Ngô Nhĩ của Trung Quốc và cáo buộc Bắc Kinh về “tập quán không thể bào chữa” chống lại cộng đồng thiểu số này.
Theo hãng tin AFP, đề xuất của Ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian được đưa ra khi căng thẳng gia tăng giữa Pháp và Trung Quốc, sau khi Paris tăng cường bày tỏ quan ngại với việc đối xử với người Duy Ngô Nhĩ ở Khu tự trị Tân Cương, miền Tây Trung Quốc.
"Do họ nói rằng những tuyên bố của tôi là vô căn cứ, chúng tôi đề xuất một phái đoàn quốc tế gồm các nhà quan sát độc lập, dưới sự bảo trợ của Cao ủy Nhân quyền Michelle Bachelet đến đó và làm chứng" - ông Le Drian nói với các nhà lập pháp tại Quốc hội.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian. Ảnh: EKATHIMERINI
Các nhóm nhân quyền và chuyên gia cho rằng hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các cộng đồng nói tiếng Turkic bị cầm giữ trong các trại tập trung.
Phát biểu tại Quốc hội hồi tuần trước, ông Le Drian đã chỉ ra các cáo buộc bao gồm "trại tù cho người Duy Ngô Nhĩ, giam giữ hàng loạt, mất tích, lao động cưỡng bức, triệt sản cưỡng bức, phá hủy di sản của người Duy Ngô Nhĩ".
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng những bình luận trên là "lời nói dối", khẳng định vấn đề Tân Cương không phải là về nhân quyền, tôn giáo hay sắc tộc mà là "chống khủng bố bạo lực và ly khai".
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Le Drian hôm 28-7 tiếp tục đưa ra tuyên bố mạnh mẽ hơn, nói rằng ở Tân Cương "có những tập quán không thể bào chữa, đi ngược lại các nguyên tắc phổ quát được bảo vệ trong các công ước nhân quyền quốc tế quan trọng".
Ông cũng cáo buộc chính phủ Trung Quốc về việc "giám sát dân số rộng rãi và một hệ thống trấn áp toàn diện trong toàn khu vực".
Bắc Kinh và London cũng đã tranh cãi vấn đề này sau khi Ngoại trưởng Anh Dominic Raab tuyên bố "rõ ràng là có những vi phạm nhân quyền thô bạo, nghiêm trọng đang xảy ra" trong khu vực.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân bác bỏ tuyên bố này là "không có gì ngoài những tin đồn và vu khống".
Tranh cãi về cách đối xử người Duy Ngô Nhĩ xảy ra khi căng thẳng giữa phương Tây và Trung Quốc leo thang liên quan đến luật an ninh quốc gia mới mà Trung Quốc vừa áp đặt ở Hong Kong và làn sóng phản đối gia tăng đối với việc sử dụng các sản phẩm của tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc.