Sáng 28-10, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh báo cáo tại Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2015.
Theo báo cáo, có 46 người đứng đầu bị xử lý kỷ luật vì để tham nhũng. Trong đó bốn người bị xử lý hình sự, 37 người bị xử lý kỷ luật với các hình thức cách chức, khiển trách, cảnh cáo, năm người đang xem xét các hình thức xử lý.
Tặng quà để ”nuôi quan hệ”
Kết quả kê khai, công khai, xác minh tài sản thu nhập năm 2014 cho biết tổng số người kê khai tài sản là khoảng gần 1,02 triệu người, trong đó có 1.225 người thuộc diện kê khai được xác minh tài sản, thu nhập (tăng hơn nhiều so với năm trường hợp được xác minh trong năm 2014).
Trong số những trường hợp phải xác minh, chỉ phát hiện năm người kê khai không trung thực (năm 2014 chỉ duy nhất một người bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo do kê khai không trung thực - PV).
Báo cáo của Chính phủ cho biết đã tiến hành xử lý kỷ luật hai người (một trường hợp ở Bộ GTVT bị kỷ luật khiển trách, một trường hợp ở tỉnh Thanh Hóa bị kỷ luật cảnh cáo và điều chuyển sang vị trí công tác khác). Hiện còn hai trường hợp tại tỉnh Cà Mau và một trường hợp tại tỉnh Bình Thuận đang trong quá trình xem xét, xử lý.
Báo cáo của Chính phủ nêu có 23 người đã nộp lại quà tặng với số tiền là 489 triệu đồng. Báo cáo cũng trích dẫn khảo sát về xung đột lợi ích do Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới (thực hiện trong quý II năm 2015) tại 512 doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tư nhân.
Theo đó, 48% doanh nghiệp được hỏi thừa nhận có tặng quà cho cán bộ, công chức trong khoảng thời gian 12 tháng gần đây. Trong số này, 82% là quà có giá trị trên 500.000 đồng; 88,6% tặng trực tiếp cho cán bộ, công chức; 46% tặng trước và trong khi đang giải quyết công việc của doanh nghiệp; 66% là nhằm mục đích giải quyết công việc của doanh nghiệp và 31% để “nuôi quan hệ”; 56% do doanh nghiệp chủ động tặng quà dù cán bộ, công chức không đòi hỏi hay gợi ý…
Tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp
Đánh giá chung về tình hình tham nhũng, Chính phủ cho rằng: “Tình hình tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp”. Tuy nhiên, các con số thể hiện trong báo cáo cho thấy việc phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng năm nay đều giảm so với cùng kỳ năm 2014. “Tình trạng nhũng nhiễu trong khu vực công còn nhiều, biểu hiện qua nạn hối lộ, lót tay, chạy chọt khi giao dịch với các cơ quan công quyền. Đã xuất hiện tình trạng tham nhũng có tính lợi ích nhóm trong một số lĩnh vực” - báo cáo nhận định.
Qua kết quả phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng cho thấy tính chất tham nhũng ngày càng phức tạp, thủ đoạn tinh vi hơn, phạm vi, tính có tổ chức của các vụ việc, vụ án tham nhũng rõ nét hơn. Một số vụ án tham nhũng gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát lớn tài sản của Nhà nước. Một số vụ tham nhũng có yếu tố nước ngoài, phần nào ảnh hưởng đến nhìn nhận của quốc tế về tình hình tham nhũng ở Việt Nam. “Tham nhũng vẫn là một trong những vấn đề bức xúc của xã hội hiện nay, là một nguy cơ gây mất ổn định chính trị, xã hội” - báo cáo kết luận. Tuy nhiên, “số lượng các vụ án tham nhũng, kể cả các vụ án tham nhũng lớn được phát hiện, điều tra, xử lý lại giảm cần phải được đánh giá một cách thật khách quan” - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nhấn mạnh.
Chưa có giải pháp thanh lọc cán bộ biến chất
Ủy ban Tư pháp cũng tán thành với nhiều nguyên nhân được nêu trong báo cáo của Chính phủ về kết quả cũng như những hạn chế, yếu kém và cho rằng “một trong những nguyên nhân quan trọng là kỷ cương quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn buông lỏng”. Cạnh đó, cơ chế kiểm soát thực thi quyền lực qua công tác kiểm tra, thanh tra, điều tra, kiểm sát hiệu quả chưa cao, chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ.
Số cán bộ, công chức, viên chức thoái hóa, biến chất, tiêu cực, tham nhũng vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để thanh lọc, loại bỏ hoặc trừng trị nghiêm khắc, tình trạng suy thoái đạo đức của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức vẫn diễn ra, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo.
Một số nguyên nhân khác được Ủy ban Tư pháp nêu là bệnh quan liêu, thành tích vẫn nặng nề; công tác trinh sát điều tra, nghiệp vụ cơ bản và phòng ngừa nghiệp vụ chưa được tăng cường đúng mức; công tác tự thanh tra, kiểm tra tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị có nơi còn buông lỏng, có biểu hiện khép kín xử lý nội bộ; chế độ trách nhiệm, chế độ công vụ đối với mỗi vị trí công tác chưa thật rõ ràng, cụ thể, nhất là ở những khâu, quy trình thủ tục liên quan tới công việc của người dân, doanh nghiệp….
Năm 2015, Cơ quan điều tra các cấp đã thụ lý điều tra 351 vụ án, 813 bị can phạm tội về tham nhũng, đã kết luận điều tra 198 vụ, 489 bị can; đình chỉ điều tra 4 vụ, 2 bị can. VKS các cấp thụ lý giải quyết 323 vụ, 806 bị can về các tội danh tham nhũng, truy tố 310 vụ, 697 bị can. TAND các cấp đã xét xử sơ thẩm 260 vụ, 577 bị cáo về các tội danh tham nhũng. Các vụ án, vụ việc tham nhũng năm 2015 gây thiệt hại trên 950 tỷ đồng và 9.887 m2 đất; đã thu hồi được trên 505 tỉ đồng (đạt trên 55%) và thu hồi được 2.887 m2 đất |