Bộ xương hóa thạch tình cờ được một người nông dân địa phương phát hiện trong sa mạc gần La Flecha cách khu vực Patagonia (giữa biên giới Argentina va Chile) khoảng 250km về phía Tây .
Các nhà khoa học đã phải sửng sốt vì kích thước khổng lồ của bộ xương. Người ta phỏng đoán con khủng long này phải nặng đến 77 tấn, ngang ngửa trọng lượng của 14 con voi châu Phi cỡ “khủng”. Kỷ lục trước đó thuộc về loài khủng long có tên khoa học là Argentinosaurus (nặng tối đa 70 tấn).
Một đoạn xương đùi của con khủng long khổng lồ. Ảnh: BBC
Những phần hóa thạch khác của con khủng long lần lượt được tìm thấy ở khu vực lân cận bởi nhóm nhà cổ sinh học thuộc Bảo tàng Egidio Feruglio. Hiện họ đã thu thập được khoảng 150 đoạn xương, tất cả đều ở trạng thái khá nguyên vẹn.
Trao đổi với BBC, một nhà nghiên cứu cho biết: “Với kích thước xương hóa thạch, chúng tôi xác định ở thời điểm này, đây chính là loài khủng long khổng lổ nhất từng tồn tại trên trái đất. Chiều cao của nó tương đương với một tòa nhà 7 tầng”.
Loài khủng long này được xác định là có họ hàng với giống khủng long Argentinosaurus
Loài động vật ăn cỏ này từng sinh sống trong các khu rừng Patagonia vào thời kỳ khoảng 95 triệu năm trước. Các nhà khoa học dự định sẽ đặt cho loài khủng long mới này một cái tên thật đặc biệt, ghi dấu ấn nơi nó được phát hiện lần đầu tiên.
Có đến hàng chục nhà nghiên cứu đang cùng nhau khai quật bộ xương khổng lồ. Họ tỏ ra vui mừng vì hiếm khi tìm thấy một mẫu hóa thạch gần như đầy đủ của khủng long cổ đại đến như vậy. Đặc biệt, kích thước dị thường của nó càng khiến cuộc tìm kiếm trở nên thú vị.
Quang cảnh khu vực khai quật . Ảnh: BBC
Phương Dung