Phát hiện mới này khiến những nỗ lực cứu nhà máy điện hạt nhân Fukushima I càng trở nên khó khăn, đồng nghĩa với mối đe dọa về cuộc khủng hoảng hạt nhân tồi tệ nhất trong vòng 25 năm trở lại đây càng trở nên rõ ràng.
Trong phiên họp quốc hội ngày hôm nay, Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan đã chỉ trích các quan chức vì đã không cảnh báo trước về thảm họa trên cũng như chưa xử lý kịp thời hậu quả mà trận động đất và sóng thần vừa qua để lại.
Nhật lần đầu phát hiện phóng xạ cực độc tại Fukushima I
Trong khi đó, ông Yosuke Isozaki, một thành viên của đảng đối lập đã lên tiếng chỉ trích ông Kan không cho di tản dân cư trong khu vực cách nhà máy điện hạt nhân Fukushima I từ ít nhất 20 đến 30 km.
Phản pháo lại lời chỉ trích trên, ông Kan tuyên bố chính phủ Nhật đang xem xét khả năng mở rộng việc di tản dân cư trên phạm vi rộng hơn hiện tại khoảng 20 km nữa. Tuy nhiên, chính phủ Nhật Bản cũng đã nâng cảnh báo hạt nhân lên mức cao nhất.
Mức độ Plutonium chưa gây nguy hiểm
Lý do mà ông Kan và các nhà chức trách đưa ra cho việc trì hoãn di tản là mức độ Plutonium chưa gây nguy hiểm tới sức khỏe và tính mạng của mọi người.
Công ty điện lực Tokyo cho biết họ mới chỉ tìm thấy một lượng rất nhỏ Plutonium trong đất ở 5 khu vực thuộc nhà máy điện hạt nhân Fukushima I và mức độ nguy hiểm của lượng chất phóng xạ này là chưa cao.
Trả lời phỏng vấn, ông Sakae Muto, Phó chủ tịch của Công ty điện lực Tokyo nói: “Tôi xin lỗi vì đã để mọi người lo lắng. Tuy nhiên, lượng Plutonium ở đây chưa đủ để gây nguy hại tới sức khỏe của con người”.
Tuy nhiên, lượng Plutonium chưa đủ lớn để gây hại tới con người
Ông Muto cũng nhấn mạnh rằng họ mới chỉ tìm thấy một lượng nhỏ các đồng vị plutonium 238, 239 và 240 ở Nhật Bản và chúng có thể được phát tán ra ngoài từ các phản ứng hạt nhân của nước ngoài. Tuy nhiên, các chuyên gia lại cho rằng ít nhất có một lượng plutonium phát tán ra ngoài từ thanh nhiên liệu bị nóng chảy của một số lò phản ứng tại Fukushima I hoặc từ lò phản ứng hạt nhân số 3, bởi đây là nơi duy nhất sử dụng nguyên tố này trong các hỗn hợp nhiên liệu của nó.
Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế lại cho rằng nguyên nhân của sự việc này có thể là do sự xuống cấp của nhiên liệu đã được biết đến từ trước đó. Còn Tổ chức an toàn năng lượng hạt nhân Nhật Bản lại quan tâm nhiều tới các mẫu plutonium với nồng độ hiện đang ở trong khoảng từ 0,18 tới 0,54 becquerel/kg hơn là nguồn gốc, xuất xứ của loại chất phóng xạ cực độc này.
Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Jiji, ông Hidehiko Nishiyama, một nhà chức trách thuộc tổ chức trên cho biết: “Không phải là lạc quan, thực sự thì nồng độ plutonium ở đây chưa ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc cơ chế ngăn chặn sự rò rỉ phóng xạ đã có lỗ hổng. Do vậy tôi cho rằng đây cũng là tình trạng đáng lo ngại”.
Theo Kiều Vui (VTC News)