Tìm giải pháp lành mạnh hóa chứng khoán Việt - Bài 2

Phía sau những bất thường của chứng khoán Việt

(PLO)- Để thị trường chứng khoán không bất thường “sáng mưa, chiều nắng”, cần thu hút các nhà đầu tư dài hạn bằng cách tạo ra nhiều sản phẩm hấp dẫn hơn và phát triển các quỹ đầu tư tiêu chuẩn quốc tế.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong hai năm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam (VN) đã có sự phát triển ấn tượng. Điển hình là sự tăng trưởng mạnh mẽ của nhà đầu tư cá nhân. Đặc biệt, số lượng người mở tài khoản tham gia đầu tư vào chứng khoán đã đạt 5% dân số, nhanh hơn ba năm so với mục tiêu kỳ vọng của Chính phủ. Dòng tiền cũng ồ ạt đổ vào thị trường với bình quân 1 tỉ USD/phiên, điều mà suốt 18 năm qua chưa bao giờ đạt được.

Tuy vậy hiện vẫn còn nhiều bất cập, lỗ hổng trên thị trường chứng khoán. Điều này đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước phải có giải pháp hiệu quả để quản lý nhằm giúp thị trường phát triển bền vững.

Biến động khó lường

Ông Michael Kokalari, Kinh tế trưởng Tập đoàn VinaCaptital, đánh giá mức tăng mạnh của chỉ số VN-Index trong năm ngoái là nhờ đóng góp từ tăng trưởng lợi nhuận gần 35% của các cổ phiếu niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) và sự bùng nổ của nhà đầu tư cá nhân với số lượng tài khoản giao dịch tăng đến 60%. Tuy nhiên, bước sang tháng 4-2022, thị trường chứng khoán bắt đầu lao dốc và mất điểm mạnh. Các mức đỉnh lịch sử thiết lập trước đó lần lượt bị mất, thậm chí có lúc mất luôn mốc 1.200 điểm.

Số lượng nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường chứng khoán gia tăng đột biến trong thời gian gần đây. Ảnh: HOÀNG GIANG

Số lượng nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường chứng khoán gia tăng đột biến trong thời gian gần đây. Ảnh: HOÀNG GIANG

Lý giải về sự sụt giảm bất thường này, ông Michael Kokalari cho rằng số lượng các nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia thị trường chứng khoán tại VN đã tăng gần 70% trong 12 tháng qua. Hầu hết những người mới tham gia thị trường đều có xu hướng thích mở tài khoản giao dịch ký quỹ với hy vọng kiếm được lợi nhuận nhanh chóng. Nhưng việc các nhà đầu tư buộc phải bán các cổ phiếu liên quan đến cho vay ký quỹ đang tạo ra áp lực nặng nề lên thị trường.

“Một nhân tố khác liên quan đến bán tháo chứng khoán là một số công ty đã vay tiền với mục đích dành cho việc phát triển bất động sản nhưng họ đã đi ngược với lời cam kết và sử dụng tiền để tham gia thị trường chứng khoán. Khi cơ quan chức năng mạnh tay ngăn chặn tình trạng sử dụng nguồn vốn sai cách này khiến nhà đầu tư buộc phải bán cổ phiếu” - ông Michael Kokalari phân tích.

Còn theo chuyên gia tài chính Trần Đình Phương, hiện tại, nhà đầu tư cá nhân đang chiếm đa số khối lượng giao dịch hằng ngày trên thị trường chứng khoán. Song theo quan sát, số đông dường như chỉ tập trung đầu tư ngắn hạn và dễ bị tác động bởi tâm lý đám đông.

“Chứng khoán trồi sụt bất thường nằm ở cấu trúc có quá nhiều nhà đầu tư cá nhân, những người có tâm lý yếu, ít kinh nghiệm, thiếu kiến thức” - ông Phương nhận xét.

Trong khi đó, TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, cho rằng giai đoạn vừa qua, quá nhiều cổ phiếu của các công ty vô danh tiểu tốt có giá “trà đá” nhưng bị đẩy lên cả chục lần. Ngược lại, nhiều cổ phiếu của các công ty làm ăn tốt lại giảm giá. Điều này đã diễn ra trong thời gian dài mà không thấy ai lên tiếng phân tích, cảnh báo. Do đó, những cú giảm điểm mạnh như hiện nay là tất yếu dựa trên nền tảng thị trường không lành mạnh.

Để công ty niêm yết hết “múa may”

Chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển kể giai đoạn 2000-2005 thị trường chứng khoán xuất hiện nhiều quỹ tương hỗ, quỹ mở nước ngoài vào VN đầu tư lâu dài. Nhưng sau đó, chỉ còn rất ít quỹ ở lại hoạt động. Đây là một trong những nguyên nhân tạo ra sự trồi sụt bất thường của thị trường chứng khoán.

Bởi nếu các nhà đầu tư cá nhân đầu tư thông qua các quỹ thì sẽ giảm được tình trạng các công ty niêm yết “múa may”, thổi giá vì các quỹ có đủ năng lực và chi phí đánh giá từng công ty. Nếu đánh giá sai về công ty niêm yết thì họ sẽ không huy động được vốn và sự cạnh tranh của các quỹ trong thị trường sẽ chặn đứng những trò thao túng giá.

Sàng lọc hàng chất lượng mới được lên sàn

Chuyên gia kinh tế Trần Thanh Hải phân tích: Dù thị trường chứng khoán đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng ấn tượng nhưng chưa phát triển bền vững. Thị trường chứng khoán phải phản ánh được sức khỏe của nền kinh tế, phản ánh được sự hoạt động của nhà kinh doanh chứ không phải “sáng mưa, chiều nắng” quá bất thường.

“Hiện nay có những công ty lên sàn nhưng hiệu quả kinh doanh thấp, làm những trò “mông má” cổ phiếu, đánh cổ phiếu lên rồi… bỏ chạy. Do đó, tôi cho rằng cần có cuộc thanh lọc trong các công ty niêm yết. Trong cuộc thanh lọc này cần chú ý hỗ trợ về tư vấn, dịch vụ để những công ty có thế mạnh từ nền tảng nông, lâm, thủy sản hay doanh nghiệp (DN) công nghệ lên sàn. Từ đó mới tạo điều kiện cho thị trường chứng khoán VN phát triển bền vững hơn, thay vì gặp những sự kiện tiêu cực mà chúng ta thấy vừa qua” - ông Hải nhấn mạnh.

Vị chuyên gia này cũng nhận xét rằng việc mạnh tay của Chính phủ trong việc giảm các yếu tố tiêu cực trên thị trường chứng khoán vừa rồi là hoàn toàn hợp lý. Đây là khởi đầu tốt hơn cho thị trường chứng khoán VN và là tín hiệu cho các nhà đầu tư nước ngoài thấy rằng Chính phủ cam kết đẩy mạnh làm trong sạch thị trường chứng khoán.

Đồng quan điểm, TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, nhấn mạnh một thị trường muốn phát triển bền vững thì phải có hàng hóa tốt. Hàng hóa ở đây là các cổ phiếu có chất lượng cao. Hãy hình dung sàn chứng khoán như một siêu thị. Nếu siêu thị trưng bày hàng dỏm, kém chất lượng thì chẳng ai vào mua hàng.

“Thực tế thị trường chứng khoán hiện nay vẫn có nhiều hàng hóa không tốt nhưng vẫn được giới đầu tư chào đón. Nguyên nhân là nhiều nhà đầu tư không quan tâm hàng hóa tốt mà chỉ cần có hàng để mua bán và dùng cái đó để trung gian kiếm tiền, chứ không phải mua cổ phiếu là đầu tư sinh lợi dài hạn” - TS Hiển nhận xét.

Theo TS Hiển, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phải ngăn chặn hàng hóa xấu, tuyển chọn hàng hóa tốt thì thị trường chứng khoán mới phát triển bền vững. Cụ thể, cơ quan này cần giám sát và đưa ra những tiêu chuẩn khắt khe hơn để thị trường chứng khoán phát triển một cách có chất lượng, bài bản, thu hút nhà đầu tư và trở thành kênh huy động, thu hút dòng vốn trong và ngoài nước. Đồng thời, chứng khoán VN cần có hệ thống thông tin độc lập đủ mạnh cung cấp, phân tích và cảnh báo cho nhà đầu tư. Khi đó sẽ không còn đất để một số đối tượng lợi dụng “đánh bạc, lùa gà”, thao túng giá làm bất ổn thị trường.•

Nên cấm sếp doanh nghiệp bình luận giá cổ phiếu

Bà Nguyễn Hoài Thu đề nghị phải có quy định xử lý đối với các thông tin nội gián. Ảnh: TL

Bà Nguyễn Hoài Thu đề nghị phải có quy định xử lý đối với các thông tin
nội gián. Ảnh: TL

Bà Nguyễn Hoài Thu, Giám đốc điều hành Khối đầu tư chứng khoán đại chúng và trái phiếu Công ty Quản lý Quỹ VinaCapital, nhấn mạnh rằng: Để thị trường chứng khoán trong nước thời gian tới phát triển lành mạnh thì Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các sở Giao dịch chứng khoán cần có cơ chế theo dõi để phát hiện các biến động giá cổ phiếu bất thường và yêu cầu DN giải trình. Trong trường hợp phát hiện một mã chứng khoán nào đó có chuỗi phiên tăng trần liên tục trong khi hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN không có gì đột biến thì cơ quan chức năng có thể cho ngừng giao dịch trong một thời gian nhất định để điều tra.

Ngoài ra, cần có quy định về quản lý và xử lý đối với các thông tin nội gián, cùng với việc ban hành cơ chế để chia sẻ thông tin từ phía DN sao cho công bằng và bình đẳng với tất cả nhà đầu tư, tránh tình trạng biến động giá tăng giảm bất thường. “Ở nước ngoài, giao dịch nội gián có thể sẽ bị xử lý hình sự” - bà Thu nói.

Cũng theo bà Thu, để minh bạch hóa thị trường như nước ngoài, các cơ quan chức năng của VN nên xem xét việc không cho phép những người trong thành viên HĐQT của DN đưa ra bình luận về giá cổ phiếu. Ví dụ như bình luận về xu hướng giá cổ phiếu của họ đang rẻ, sắp tăng giá... Bởi nói như vậy là có tính định hướng hoặc hàm ý chia sẻ những thông tin trọng yếu nào đó làm ảnh hưởng đến giá cổ phiếu. THÙY LINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm