'Phố Ông Đồ' ở Tiền Giang được công nhận là điểm du lịch

(PLO)- Phố Ông Đồ của ông bà họa sĩ ngoài 80 tuổi ở Tiền Giang vừa được tỉnh công nhận là điểm du lịch. Sắp tới, tại đây, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang sẽ tổ chức chương trình “Bản hòa âm Sông Tiền” chào mừng Ngày Thơ Việt Nam.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 22-2, Sở VHTT&DL tỉnh Tiền Giang cho biết UBND tỉnh vừa có quyết định công nhận điểm du lịch Phố Ông Đồ tại một con hẻm nhỏ nằm trên đường Hoàng Việt, phường 5, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.

Đây là điểm du lịch mang tính đột phá đầu tiên của tỉnh, với chủ đề tranh ảnh, thư pháp, hội họa - sản phẩm đặc trưng trong việc gìn giữ nét văn hóa Việt. Đồng thời, điểm du lịch Phố Ông Đồ còn là nơi giao lưu sinh hoạt của các câu lạc bộ như: Cờ tướng, Thư pháp, Đờn ca tài tử…

Phố Ông Đồ được công nhận là điểm du lịch
Những bức họa do họa sĩ Hoàng Anh và vợ là nhà điêu khắc Huỳnh Cúc thực hiện tại Phố Ông Đồ ở Tiền Giang.

Và dịp Tết Nguyên tiêu năm nay, lần đầu tiên Hội văn học Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang sẽ tổ chức chương trình chào mừng ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 năm 2024 tại điểm du lịch Phố Ông Đồ với chủ đề “Bản hòa âm sông Tiền” sẽ diễn ra từ chiều đến tối ngày 26-2.

Người “khai sinh” ra “Phố Ông Đồ” ở phường 5 là họa sĩ Hoàng Anh đã ngoài 80 tuổi và vợ là nhà điêu khắc Huỳnh Cúc.

Họa sĩ Hoàng Anh cho biết nhiều năm trước đây gia đình xây bức tường cao 4m, dài khoảng 40m bao quanh khu đất rộng gần 2.000m2 trồng chuối của gia đình.

Tại bức tường nhà uốn cong dọc theo con hẻm, ông vẽ những bức họa dân gian như đánh trống, kéo co, cành mai, cành đào, câu Tết … cốt chỉ để cho vui với nghề nhưng sau đó có nhiều khách thích thú đến chụp hình, tham quan, nhiều nhất là giới trẻ.

pho-ong-do-7.gif
Họa sĩ Hoàng Anh - người "khai sinh" ra Phố Ông Đồ

Rồi mỗi năm cứ mỗi độ xuân về ông bà họa sĩ lại tiếp tục khoác cho bức tường này "chiếc áo mới, rực rỡ sắc màu" với những bức tranh về Tết quê xưa và có cả hình linh vật của năm và thu hút đông người dân tìm đến đây tham quan, chụp ảnh.

Từ năm 2018 nhiều người biết đến “phường 5 có phố Ông Đồ”. Sau khi nhận được nhiều sự quan tâm từ du khách gần xa, năm 2019, phố Ông Đồ được mở rộng hơn.

Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vừa qua, bức tường trên được họa sĩ Hoàng Anh và vợ đã tốn nhiều công sức miệt mài tô vẽ bằng nhiều bức họa đầy màu sắc tái hiện lại hình ảnh của Tết cổ truyền xưa.

Đó là hình ảnh của nhành mai, cành đào, múa lân, đánh trống, thổi kèn, bánh chưng xanh, chữ Tết và nhiều khung cảnh quen thuộc của ngày Tết quê…

pho-ong-do-10.gif
Những bức họa đặc sắc Tết dân gian ở Phố Ông Đồ

Họa sĩ Hoàng Anh cho biết chính quyền thấy có đông khách đến chụp ảnh thì giúp đỡ, động viên bà con trong hẻm làm sạch đường phố và cho đèn thắp sáng, treo thêm đèn hoa tô sắc thêm cho con hẻm thêm sinh động và rực rỡ sắc xuân.

Mỗi năm khi chuẩn bị thiết kế đón Tết, đoàn viên, thanh niên phường 5 và người dân trong khu phố đều tham gia hỗ trợ tô màu, trang trí, treo lồng đèn… tạo nên không khí tươi mới cho con hẻm nhỏ.

Chính vì vậy, từ con hẻm không tên thì ngày nay nói đến “Phố Ông Đồ” ở phường 5 thì ai ai cũng biết đến con hẻm này.

Ngoài ra, đến với Phố Ông Đồ du khách còn được tham quan tranh tượng, tranh thư pháp; trải nghiệm học làm tranh gốm và xem viết thư pháp; ngắm tiểu cảnh đồng quê Nam Bộ…

pho-ong-do-9.gif
Tranh họa tại Phố Ông Đồ

“Phố ông Đồ được tỉnh công nhận là điểm du lịch tôi rất vui mừng và phấn khởi. Tuy nhiên vợ chồng tôi nay đã lớn tuổi, thời gian tới để tuyến phố đáp ứng phục vụ tốt cho du khách tôi mong muốn chính quyền và ngành chức năng hỗ trợ, giúp đỡ vợ chồng tôi để phát triển điểm du lịch này hoặc sẽ trực tiếp làm du lịch cùng gia đình tôi ở tuyến phố này” – Họa sĩ Hoàng Anh chia sẻ.

Họa sĩ Hoàng Anh còn trải lòng mình, với ông nghệ thuật sáng tác như là hơi thở và cuộc sống hằng ngày của chính ông. Vì thế ông còn có nguyện vọng thời gian tới tuyến Phố Ông Đồ không chỉ hiển hiện ở bức tường xung quanh khu đất của gia đình ông, mà còn mở rộng ở tất cả những tường nhà dân trong khắp con hẻm đều được phát họa, “tô son, điểm phấn” làm cho nét văn hóa dân gian nổi trội lên khắp con hẻm.

Họa sĩ Hoàng Anh cũng cho biết ông sẵn sàng sáng tác, tô vẽ với sự hỗ trợ, đóng góp công sức của người dân để những bức tường khắp con hẻm Phố Ông Đồ được sáng đẹp, lạ và nổi trội hơn, để nhà nhà khắp con hẻm cùng làm du lịch trên tuyến phố này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm