Tại hội nghị toàn quốc tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2020 của Ban chỉ đạo 138 (phòng, chống tội phạm) và Ban chỉ đạo 389 (phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Không giữ được bình yên, đất nước không phát triển được; kinh tế không thể phát triển được nếu buôn lậu, gian lận thương mại tràn lan”.
Làm rõ có bảo kê, tham nhũng, tiêu cực không?
Thủ tướng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế như tình trạng tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại ngày càng tinh vi hơn; nhiều hàng hóa buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng bày bán công khai ảnh hưởng đến sự yên tâm, đe dọa sức khỏe của người dân.
“Người ta không hiểu ma túy đi đường nào và vì sao nhiều như vậy. Tình trạng này rất nguy hiểm. Đây là một dấu hỏi lớn cần trả lời. Ma túy không phải là cây kim, không thể từ trên trời rơi xuống, nhảy dù xuống được” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Nói về nguyên nhân của những tồn tại này, Thủ tướng cho rằng nguyên nhân chủ quan là chính và trách nhiệm ấy thuộc về người đứng đầu các tổ chức ở địa bàn nên các ngành chức năng được giao nhiệm vụ phải đánh giá lại tình hình. Đồng thời cần xem xét sự phối hợp giữa các lực lượng, việc chia sẻ thông tin như thế nào chứ chưa triển khai đã bị lộ, các lực lượng nhúc nhích thì tội phạm đã biết rồi.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu đánh giá vai trò, trách nhiệm của từng lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương, lực lượng chức năng trong Ban chỉ đạo 138 và 389 địa phương đã thể hiện tinh thần trách nhiệm chưa.
“Có bảo kê, tham nhũng, tiêu cực không? Địa bàn buôn lậu xảy ra ở địa phương chứ có phải ở thủ đô đâu!” - Thủ tướng hỏi.
Ông nêu thực trạng thời gian qua vai trò điều hành, lãnh đạo của một số địa phương chưa quyết liệt, có nơi buông lỏng, thiếu quan tâm, thiếu kiểm tra, đôn đốc dẫn đến hoạt động buôn lậu chuyển qua biên giới ở một số nơi còn phức tạp...
Sáng 1-1-2020, Công an tỉnh Gia Lai triệt phá đường dây nhập lậu thuốc lá ngoại lớn nhất tỉnh từ trước đến nay với hơn 76.000 gói thuốc bị thu giữ. Ảnh: TTXVN
“Có một số đường dây như buôn đường liên quan đến cán bộ, lãnh đạo cấp tỉnh. Bảo kê đó, người nhà tham gia vào rất nguy hiểm trong khi chúng ta yêu cầu cán bộ, đảng viên nêu gương. Đáng chú ý, tình hình việc xử lý sai phạm của một số tập thể, cá nhân để xảy ra buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả phức tạp kéo dài chưa nghiêm, còn nể nang, né tránh” - Thủ tướng lưu ý.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng những tồn tại này làm hạn chế kết quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Ông yêu cầu công an, các lực lượng chức năng điều tra rồi chuyển sang khởi tố, xét xử ngay, để năm nọ tháng kia “hóa bùn”.
“Làm một số vụ nổi cộm để răn đe”
Về nhiệm vụ năm 2020, Thủ tướng yêu cầu hai ban chỉ đạo tập trung chỉ đạo làm một số vụ nổi cộm để răn đe, làm gương. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra công vụ, kiên quyết ngăn chặn tham nhũng, tham nhũng vặt trong cơ quan hành chính, không để người dân bức xúc.
Thủ tướng đề nghị công an, hải quan, thuế, quản lý thị trường, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển đừng để tình trạng cơ quan của mình có tình trạng tham nhũng. “Ông lót tay phong bì bao nhiêu cho một kiện hàng, không phải người ta không biết. Chúng ta không nói thẳng, cứ để tràn lan cán bộ làm việc đó. Ở bến xe, bến cảng, bốc xếp hàng, từng container, việc này việc kia, hậu thông quan, kiểm tra chuyên ngành... làm sao các đồng chí nói không biết chuyện tiêu cực. Tôi nói các đồng chí chấn chỉnh đi” - Thủ tướng lưu ý.
Thủ tướng cũng nhắc trong công tác phòng, chống tội phạm, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại không vì phát triển mà buông thả hết, để xã hội trắng đen không rõ ràng là không được. Xử phạt đúng mức để chừa thói kinh doanh trái phép, gian lận thương mại...
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an triển khai kế hoạch, biện pháp đấu tranh làm thất bại các âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, phản động. “Đây cũng là dịp các thế lực phản động phá hoại chúng ta. Tội phạm này nguy hiểm hơn tất cả, đấy là tội phạm phá hoại an ninh quốc gia” - Thủ tướng nói.
Thủ tướng yêu cầu năm 2020, các ban chỉ đạo tiếp tục: 1. Tập trung sửa đổi, hoàn thiện thể chế, chính sách, công tác phối hợp lực lượng, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan chức năng trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao và trực tiếp chỉ đạo xử lý một số vụ việc nổi cộm, làm gương, răn đe giáo dục chung. 2. Tăng cường kiểm tra công vụ, kiên quyết ngăn chặn tình trạng tham nhũng, tham nhũng vặt ở các cơ quan hành chính. 3. Xử lý tin báo, tố giác của người dân đúng quy định, kịp thời đình chỉ công tác cán bộ có dấu hiệu bảo kê, bao che, làm ngơ cho các hành vi vi phạm pháp luật, nếu phát hiện bao che phải xử lý nghiêm dù đó là ai. 4. Ngăn chặn tình trạng xuất cảnh trái phép, nhất là hoạt động mua bán người, vận chuyển trái phép ma túy, pháo và các mặt hàng cấm khác... |