Phóng sinh xuất phát từ đâu?
"Phóng sinh (Tsethar) là một hành động và nghi lễ truyền thống trong Phật giáo chỉ về cách thực hành để cứu súc vật, chim chóc, cá khỏi bị giết hại hay giam nhốt. Phóng sinh thường được hiểu đơn giản là khi gặp một con vật bị nạn thì ra tay cứu thoát, hoặc nhìn thấy một hoặc nhiều con vật sắp bị giết thì bỏ tiền ra mua để cứu sống chúng. Phóng sinh là trao cho sinh vật nào đó cơ hội tiếp tục sống.
Theo quan niệm của Phật giáo, phóng sinh là cứu mạng người, kéo dài sự sống của họ hay sinh vật nào đó. Chuyện phóng sinh thể hiện tâm từ bi của người thực hiện. Trong đạo Phật phát triển sau này, phóng sinh chỉ là một phương tiện để tu tập. Về hình thức, phóng sinh có nghĩa là đừng cùm kẹp mà hãy để cho các loài vật được tự do. Còn về nghĩa bóng, phóng sinh là phóng thích những cái tâm ô uế như cái tâm tham, cái tâm đố kị, hơn thua và thù hận ra khỏi con người mình để mình được tự do.
Lạm dụng sẽ dễ thành sát sinh
Sư thầy Thích Thọ Lạc, Phó ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cho hay: “Đặt cọc để người ta đi bắt chim, cua, cá, ốc… thì chẳng khác nào khuyến khích người ta khống chế sự tự do của vật phóng sinh”.
Theo Dân Việt, nhiều người cho rằng phóng sinh không đúng phương thức, thực hiện sai tâm từ bi của Phật thì chẳng khác nào sát sinh.
Về vấn đề này, sư thầy Thích Vân Phong - Ủy viên Ban Thông tin Truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam chia sẻ: “Nói phóng sinh sai phương thức là sát sinh không hoàn toàn chính xác bởi đa số những con vật phóng sinh đều sống sót, chỉ một số ít những con vật thả ra mà không sống được. Người phóng sinh có công đức của việc phóng sinh. Kẻ bắt giết có tội lỗi của việc bắt giết. Chúng ta là người tạo công đức của chính mình, người khác bắt giết gây ra tội lỗi của chính họ. Mọi việc trong thế gian đều tương đối tồn tại: Có thiện tất có ác, có ngay thẳng tất có gian tà. Lẽ nào vì hành động tội lỗi của kẻ khác bắt giết mà chúng ta lại không làm thiện hạnh phóng sinh hay sao?”.
Bồ câu là chim phóng sinh phổ biến trong những ngày lễ lớn.
Chim sẻ thường được phóng sinh ở các chùa.
Ngày tiễn ông Táo về Trời (23 tháng Chạp) dân gian thả cá chép phóng sinh.
Tuy vậy, việc phóng sinh không đúng cách khiến nhiều con vật phóng sinh bị chết.
Phóng sinh bắt nguồn từ ý tưởng tốt đẹp của Phật giáo vào những ngày rằm, lễ, tết. Ảnh: Dân Việt