Rằm tháng Giêng hay còn gọi là Tết Nguyên tiêu là ngày rất quan trọng trong phong tục Việt Nam. Tại chùa Ngọc Hoàng (quận 1, TP.HCM), từ 6 giờ sáng đã tấp nập người dân mang lễ vật đến cầu an.
Theo lời người dân: "Cúng cả năm không bằng rằm tháng Giêng" nên ngoài việc cúng tại nhà, nhiều người từ cụ già, bậc trung niên đến giới trẻ và các em nhỏ tranh thủ lên chùa thắp hương cầu nguyện để cả năm được bình an.
Đây là ngôi chùa do vị tổ sư Lưu Minh (người Hoa) xây dựng từ năm 1892, vẫn còn duy trì những nét văn hóa độc đáo của người Hoa.
"Theo phong tục của người Hoa, mọi người mang theo lễ vật lên chùa cúng rằm bao gồm: dầu ăn, nhang đèn và cả quần áo” - cô Trần Ngọc Tâm (quận 1) chia sẻ.
Tại điện thờ chính đã chật kín người, người dân xếp hàng thắp nhang và chờ đến lượt rót dầu cầu an.
Với người Hoa, việc mang dầu ăn đến để châm nến đốt nhang, ai cũng châm dầu mang ý nghĩa châm thêm tuổi thọ, châm thêm sức khỏe cho mình và gia đình.
Hai cô gái đốt giấy tiền vàng khi đến cúng chùa.
Tại chùa Vĩnh Nghiêm (quận 3), người dân đã tìm về đây cúng rằm từ một ngày trước.
Đúng vào ngày cuối tuần nên thuận tiện cho người dân tập trung về chùa cầu an trong dịp đầu năm.
Cầu nguyện trước tượng Quan Âm.
Người dân đến chùa cầu mình, cầu cho cả năm tai qua nạn khỏi, gia đình hạnh phúc, sức khỏe tràn đầy, làm ăn phát tài.
Cả nhà đi chùa thành tâm khấn nguyện trước tượng Phật Quan Âm.
Chị Oanh (quận 3) cho biết đây là ngày rằm quan trọng nên chị đến chùa để cầu bình an cho cả nhà, mong một năm mới nhiều may mắn, gia đình sung túc.
Ngày lễ này cũng thu hút khá đông các bạn trẻ với mong muốn cầu cho việc học hành, thi cử đỗ đạt, cầu cho đường tình duyên may mắn.
Người dân phóng sinh khi đi cúng rằm tại chùa.
Du khách nước ngoài đang nghe hướng dẫn khi đi lễ chùa.
Người dân đốt giấy tiền vàng.
Xin chữ đầu năm tại chùa cũng là một trong những việc làm được nhiều người quan tâm.