Phương Tây có thêm bước đi mới ở châu Á

(PLO)- NATO chuẩn bị mở rộng hiện diện ở châu Á, trong khi Mỹ và Philippines siết chặt quan hệ quân sự liên minh.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mỹ và các đồng minh gần đây liên tục có các động thái đáng chú ý nhằm gia tăng hiện diện ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong nỗ lực kiềm chế Trung Quốc (TQ). Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chuẩn bị mở văn phòng đầu tiên ở Nhật, trong khi Mỹ - Philippines đạt bước tiến mới trong hợp tác quân sự giữa hai nước.

Nhiều động thái mới của phương Tây

Tờ The Nikkei ngày 3-5 dẫn lời một số quan chức Nhật đưa tin NATO đang lên kế hoạch mở văn phòng liên lạc tại Nhật để phối hợp với các đồng minh khác trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương như Úc, Hàn Quốc và New Zealand. Trọng tâm sẽ là thách thức địa - chính trị từ TQ và Nga.

Ngày 3-5, các nghị sĩ Dân chủ tại Thượng viện Mỹ đã đưa ra một dự luật mới để ngăn chặn sự cạnh tranh từ TQ. Dự luật sẽ tìm kiếm nguồn tài trợ cho các khoản đầu tư bổ sung nội địa trong các lĩnh vực công nghệ then chốt và cung cấp một giải pháp thay thế tốt hơn từ Mỹ cho sáng kiến cơ sở hạ tầng toàn cầu Vành đai - Con đường của TQ, theo hãng tin Reuters.

Ý tưởng mở văn phòng liên lạc lần đầu tiên được đưa ra thảo luận tại cuộc gặp giữa Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trong chuyến thăm thủ đô Tokyo hồi cuối tháng 1. Đến giữa tháng 4, 31 thành viên khối này đã nhận được dự thảo đề xuất mở văn phòng và đã tiến hành thảo luận, trong đó có vấn đề bên nào sẽ cung cấp hỗ trợ tài chính để mở văn phòng.

Đại sứ Đan Mạch tại Nhật Bản Peter Taksoe-Jensen cho rằng đây sẽ là văn phòng đầu tiên thuộc loại này của NATO ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. “Bước đi này không chỉ mang tính tượng trưng. Đây sẽ là cách rất rõ ràng và thực tế nhằm tăng cường quan hệ giữa Nhật và NATO” - ông nói.

NATO có các văn phòng liên lạc tương tự tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở Mỹ, trụ sở Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) ở Áo, cũng như ở Georgia, Ukraine, Bosnia và Herzegovina, Moldova và Kuwait.

Cùng ngày, Lầu Năm Góc công bố tài liệu về các điểm mới trong hợp tác quân sự Mỹ - Philippines, tờ South China Morning Post cho biết. Theo đó, Washington và Manila thời gian tới sẽ mở rộng hoạt động chia sẻ thông tin tình báo đối với “các mối nguy và thách thức nền tảng” của hai nước, đặc biệt là ở khu vực Biển Đông.

Để đạt được mục tiêu này, cả hai bên sẽ phát triển “quy trình ra quyết định thích ứng và quy trình liên lạc hiệu quả để hỗ trợ sự phối hợp song phương linh hoạt, kịp thời và hiệu quả và hành động phù hợp với từng tình huống khẩn cấp thông qua sự phối hợp giữa cơ quan hai nước” - tài liệu cho biết.

Cờ Mỹ và Trung Quốc tại một sự kiện ở thủ đô Bắc Kinh hồi tháng 10-2020. Ảnh: AFP
Cờ Mỹ và Trung Quốc tại một sự kiện ở thủ đô Bắc Kinh hồi tháng 10-2020. Ảnh: AFP

South China Morning Post cho biết đây là kết quả của chuyến thăm Mỹ bốn ngày đang diễn ra của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. Kể từ khi ông lên nắm quyền vào tháng 6 năm ngoái, quan hệ liên minh Mỹ - Philippines có nhiều dấu hiệu nồng ấm trở lại hơn so với thời Tổng thống tiền nhiệm Rodrigo Duterte.

Hàng loạt bước đi hợp tác đặc biệt thời gian gần đây trong lĩnh vực an ninh quốc phòng bao gồm Philippines cho phép Mỹ mở rộng tiếp cận căn cứ quân sự trên lãnh thổ nước này, nối lại đối thoại theo hình thức 2+2 và lần đầu tiên sau gần 10 năm, một tổng thống Philippines có mặt tại cuộc tập trận quân sự chung Balikatan lớn nhất với Mỹ hồi tháng 3. Chuyến thăm chính thức đến Mỹ lần này của Tổng thống Marcos tiếp tục đánh dấu giai đoạn chứng kiến những bước tiến nhanh chóng trong quan hệ liên minh Mỹ - Philippines.

Trung Quốc phản ứng mạnh

Trong cuộc họp báo mới đây, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TQ Mao Ninh khẳng định về động thái mới của Mỹ - Philippines, TQ phản đối bất kỳ hành động nào biến Biển Đông thành “nơi săn bắn” của các thế lực bên ngoài. “TQ không chấp nhận mọi thỏa thuận làm tổn hại chủ quyền và lợi ích quốc gia của chúng tôi. Biển Đông là ngôi nhà của mọi quốc gia trong khu vực, không phải là nơi săn bắn của thế lực bên ngoài” - bà Mao nhấn mạnh.

Về thông báo của NATO, bà Mao cho biết châu Á là “miền đất hứa cho hợp tác và phát triển, không phải là đấu trường địa chính trị”. Quan chức này cũng chia sẻ sự mở rộng liên tục của NATO sang phía Đông ở châu Á - Thái Bình Dương, mở rộng can thiệp vào các vấn đề khu vực ở đây chính là “các nỗ lực phá hoại hòa bình và ổn định khu vực, thúc đẩy đối đầu giữa các quốc gia với nhau”. “Các nước trong khu vực cần phải hết sức cẩn trọng” - bà Mao cảnh báo.

Hồi tháng 2, chính bà Mao Ninh cũng từng đưa ra những phát ngôn tiêu cực về NATO. “Một mặt, NATO tuyên bố rằng vị thế của họ như một liên minh phòng thủ khu vực là không thay đổi. Mặt khác, họ tiếp tục vượt khỏi các khu vực phòng thủ truyền thống, không ngừng tăng cường quan hệ an ninh quân sự với các nước châu Á - Thái Bình Dương và thổi phồng mối đe dọa từ TQ” - bà Mao nói.•

Giới chuyên gia tiếp tục cảnh báo xấu về quan hệ Trung Quốc và phương Tây

Theo đài CNBC, giới chuyên gia cho rằng mối quan hệ giữa phương Tây và TQ đang đi trên con đường “nguy hiểm” và cả hai bên đều không tin tưởng lẫn nhau. Chuyên gia Stephen Roach thuộc ĐH Yale (Mỹ) cho biết Bắc Kinh lúc này xem Mỹ và các đồng minh là “đối thủ chính” và “tin rằng Mỹ có ý định chặn đường phát triển của TQ”.

Ông cho biết cả hai quốc gia đều “có phần trách nhiệm như nhau khi để quan hệ xấu đi như vậy”.

Cựu bộ trưởng Bộ Quốc phòng dưới thời chính quyền Tổng thống Bill Clinton - ông William Cohen cũng nhấn mạnh quan điểm tương tự và cho biết tranh cãi qua lại giữa hai bên đã đạt đến mức “nguy hiểm”. “Tôi nghĩ sẽ rất nguy hiểm bất cứ khi nào có hai cường quốc cạnh tranh và vũ khí hạt nhân nằm trong tay của cả hai cường quốc này. Thế giới đang dần trở thành một nơi rất nguy hiểm” - ông Cohen nói

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm