Phía sau cơn sốt livestream bán hàng - Bài 2:

Ai có thể làm chủ sóng livestream?

(PLO)- Cuối năm 2023, hình thức livestream bán hàng đã thổi một làn gió mới vào hoạt động bán hàng, thu hút tiểu thương chợ truyền thống, nông dân, lẫn người ảo tham gia vào hình thức bán hàng mới này bằng hấp lực của doanh thu.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Livestream đã xâm nhập vào nhiều lĩnh vực ngành nghề tại Việt Nam, tuy nhiên đây có phải là cơ hội đầu tư để tất cả doanh nghiệp (DN) tăng doanh thu, phát triển thương hiệu hay không vẫn là vấn đề còn bỏ ngỏ.

Tự livestream thì không có khách, mà kết hợp với KOL, KOC thì không đủ tiền - chính là khó khăn lớn nhất của những người kinh doanh truyền thống.

livestream.jpeg
Livestream đối với đa số người kinh doanh truyền thống vẫn thực sự “khó nhằn”. Ảnh minh họa: THU HÀ
P11_DSC08123.jpg
Livestream giúp các DN nhỏ giới thiệu sản phẩm hoặc dịch vụ ra thế giới mà không cần một ngân sách marketing lớn. Ảnh: THU HÀ

“Khó nhằn” với người kinh doanh truyền thống

Làn sóng livestream bán hàng vẫn liên tục thiết lập các đỉnh lợi nhuận khủng mới khi xu hướng mua hàng hóa online của người tiêu dùng ngày một tăng. Nhưng đối với đa số người kinh doanh truyền thống, cơn sóng này thực sự “khó cưỡi”.

Bà Nguyễn Trân, chủ sạp bánh kẹo tại chợ Bến Thành, gian hàng từng có sự bùng nổ đơn hàng khi kết hợp cùng KOC Ba Thức Food livestream bán hàng trong chuỗi sự kiện “Ngày hội mua sắm, giải trí trực tuyến TP.HCM 2023”, cho biết tới nay vẫn chưa có thêm một phiên livestream nào khác.

“Tôi nghĩ livestream chỉ phù hợp khi rảnh rỗi, vào buổi tối tại nhà chẳng hạn. Livestream tại chợ thì khó, bởi đặc thù ở đây là bán sỉ và bán cho khách nước ngoài, khách du lịch tham quan ban ngày” - bà Trân nói.

Không chỉ bà Trân, bà Huỳnh Hoa, tiểu thương kinh doanh bánh kẹo tại đây, cũng từ chối bán hàng này.

Làn sóng livestream vẫn liên tục thiết lập các đỉnh lợi nhuận khủng nhưng đối với đa số người kinh doanh truyền thống, cơn sóng này thực sự “khó cưỡi”.

“Tự livestream thì không có khách, mà kết hợp với KOL, KOC thì không đủ tiền. Chưa kể mỗi phiên livestream tôi thấy ồn ào, náo nhiệt, người 60 tuổi như tôi không quen được”.

Sau thành công livestream ở chợ Bến Thành, nhiều tiểu thương nhận thấy đây là phương thức bán hàng hấp dẫn nhưng nó vẫn đòi hỏi năng lực kinh doanh cơ bản.

Ông Trần Lâm, Giám đốc Công ty TNHH Natural House, đơn vị sở hữu bảy thương hiệu có doanh số khủng trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) đưa ra nhận định.

“Mô hình này vốn gắn liền với các cụm từ “deal giá rẻ”, “khuyến mãi sâu”, “combo giá tốt”, chính vì thế yếu tố giá vẫn có sức hút lớn nhất đối với khách mua hàng trong livestream và đây thực sự là bài toán khó, thách thức người kinh doanh mọi thời đại.

Chi phí thuê host (người dẫn - PV), nhân viên, chi phí vận hành, máy móc, KOL, KOC, kịch bản… đều cần đến năng lực tính toán. Nếu không, livestream rất dễ bị lỗ” - ông Lâm nói.

Rào cản lớn cần phải kể đến nữa chính là khả năng sử dụng ngôn ngữ cũng như năng lực kiểm soát và làm chủ nội dung cuộc chuyện trò bằng trí tuệ, cá tính hoặc sự nổi bật về hình thể.

Đó là lý do, bảng vàng thành tích doanh số livestream khủng, vượt thời đại vẫn luôn xướng danh các ngôi sao hay người có sức hút cá nhân đặc biệt lớn.

Ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam, cho rằng một thách thức quan trọng khác phải kể đến chính là sự thay đổi về mặt nhận thức. Trong khi đặc trưng của các tiểu thương, nhà bán truyền thống là “quen với cái cũ ngại cái mới”.

“Nhưng hơn ai hết, với ưu điểm hiểu sản phẩm, hiểu khách hàng của mình, livestream bán hàng vẫn là cách giới thiệu hàng hóa rất đáng để thử nghiệm của bà con tiểu thương, người kinh doanh truyền thống” - đại diện TikTok Việt Nam chia sẻ.

Mỗi ngày người Việt dành 1-2 giờ để lướt TikTok và chi tiền mua 1-2 triệu đơn hàng

Thống kê từ Metric, trong tháng 10-2023, tổng doanh thu của các sàn TMĐT lớn đạt gần 24.000 tỉ đồng với hơn 201 triệu sản phẩm được giao thành công (chưa tính trên TikTok Shop).

Doanh thu trên các sàn TMĐT quý IV-2023 ước tính đạt 90.000 tỉ đồng. Trong đó, bán hàng livestream đã nhanh chóng đạt được 9% trên tổng doanh thu TMĐT tại Việt Nam trong 2023.

Khảo sát trên hơn 1.000 nhà bán hàng online đa kênh của Haravan cho thấy đơn hàng từ livestream chiếm 50% doanh thu trên doanh số qua sàn TMĐT TikTok Shop của họ.

Hiện tại, hình thức bán hàng và mua hàng qua livestream đang ngày càng phổ biến hơn với nhiều DN, nhà kinh doanh online, bán lẻ tại Việt Nam và cả người tiêu dùng ở nhiều độ tuổi khác nhau trên khắp vùng miền.

Vẫn là cơ hội cho DN nhỏ

Ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện của một trong hai sàn TMĐT có doanh thu hàng đầu tại Việt Nam, thông tin tính tới tháng 11-2023, thông qua hình thức video ngắn và livestream, TikTok đã mang lại cơ hội kinh doanh cho hơn 2,8 triệu DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa, hộ kinh doanh Việt Nam.

Đồng quan điểm, TS Alrence Halibas, ĐH RMIT Việt Nam, cho rằng livestream mang lại cho các DN nhỏ những cơ hội chưa từng có để phát triển và tích cực tham gia vào tăng trưởng kinh tế.

Do nó cho phép giới thiệu sản phẩm hoặc dịch vụ tới khán giả toàn cầu mà không cần một ngân sách marketing lớn.

Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh có kết nối Internet, bằng cách lập kế hoạch và tổ chức quy củ các phần giới thiệu sản phẩm để tạo ra một nội dung thú vị, trúng, đúng phân khúc đối tượng khách hàng thu hút và giữ chân người xem trong suốt buổi livestream.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra, tính tức thời và tính tương tác của livestream cho phép giao tiếp trực tiếp với khách hàng tiềm năng, thúc đẩy kết nối được cá nhân hóa mà các DN lớn hơn có thể gặp khó khăn trong việc nhân rộng.

“Ngoài ra, tính chất hợp tác của livesteam cho phép các DN nhỏ hình thành quan hệ đối tác với những người có sức ảnh hưởng hoặc các doanh nhân khác, tận dụng khách hàng của nhau để cùng phát triển và chia sẻ lợi nhuận” - TS Alrence Halibas nói.

Thêm các tính năng tương tác như trò chuyện trực tiếp, khảo sát và hỏi đáp là cách thu hút mọi người tham gia và làm cho phiên livestream trở nên sinh động và thân thiện hơn.

Theo gợi ý của các chuyên gia, bên cạnh giá bán, câu chuyện, sức hút hình thể, trí tuệ, cá tính của streamer, để thành công với livestream, DN vừa và nhỏ, DN siêu nhỏ có thể tập trung vào nội dung làm thế nào để cung cấp trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng ngay trong phiên livestream.

Các DN nhỏ đã tận dụng nền tảng này để làm nổi bật các dịch vụ độc đáo, chia sẻ câu chuyện thương hiệu và tương tác theo thời gian thực với khách hàng, tạo cảm giác xác thực và tin cậy.

Điều rất quan trọng là mang lại trải nghiệm tốt cho khách hàng trong các buổi livestream.

“Do đó, chúng tôi sẽ hỗ trợ DN vừa và nhỏ nâng cao năng lực chuyển đổi số thông qua các chương trình đào tạo, tư vấn và công cụ tiếp thị trên nền tảng” - ông Jason Song, Giám đốc marketing mảng DN vừa và nhỏ khu vực châu Á - Thái Bình Dương của TikTok, nói.•

Gì cũng bán được ở livestream

Từ tên lửa...

Theo trang Sohu “Vi Á có số tài sản 9 tỉ nhân dân tệ, vào danh sách 500 người giàu nhất Trung Quốc”. Cô gái sinh năm 1986 xếp thứ 490 trong danh sách này.

Khi trang mua sắm trực tuyến Taobao của Trung Quốc khởi động sáng kiến livestream vào năm 2016, Vi Á là một trong những tân binh đầu tiên của họ.

Bốn năm sau, tháng 4-2020, cô livestream bán một quả tên lửa vũ trụ thương mại sản xuất ở TP Vũ Hán với giá 40 triệu nhân dân tệ (5,6 triệu USD), mức giá đã giảm so với giá ban đầu là 45 triệu nhân dân tệ. “Tên lửa này đến từ Vũ Hán, TP của những anh hùng” - Vi Á cho biết trong buổi livestream lúc đó.

...Đến hộp đựng khăn giấy

Ở thị trường Việt Nam, nhà thiết kế Quách Thái Công gây xôn xao cộng đồng mạng khi lần đầu tiên livestream bán hàng trên kênh TikTok cá nhân. Nhà thiết kế gây “chấn động” với màn giới thiệu hàng loạt xa xỉ phẩm có mức giá cao “ngất trời” như hộp đựng khăn giấy 31 triệu đồng, chiếc bình hoa 230 triệu đồng, hay giỏ đựng trái cây gần 1 tỉ đồng.

Nhà thiết kế Thái Công lại chuyên cung cấp dòng sản phẩm siêu sang, phục vụ “10% của 1% người giàu tại Việt Nam”. Tuy nhiên, hầu như không có kênh TikTok Shop nào kinh doanh những mặt hàng siêu sang như kênh của Thái Công.

Lý do, TikTok Shop - sànTMĐT nổi tiếng với các giao dịch “bình dân” có mức giá trung bình trên mỗi đơn hàng (AOV) chỉ dao động trong khoảng 100.000-200.000 đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm