Quân đội Ukraine không can thiệp vào Crimea

Hãng tin RIA Novosti (Nga) đưa tin ngày 12-3, Phó Thủ tướng thứ nhất nước cộng hòa tự trị Crimea (thuộc Ukraine) Rustam Temirgaliev đã lên tiếng kêu gọi các quan sát viên quốc tế đến Crimea để quan sát công bằng cuộc trưng cầu dân ý ngày 16-3 tới.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Nga đã phát thông cáo nhận định Quốc hội Crimea thông qua “Tuyên bố độc lập của Cộng hòa tự trị Crimea và TP Sevastopol” là một quyết định hợp pháp. Thông cáo tuyên bố Liên bang Nga sẽ tôn trọng hoàn toàn kết quả cuộc trưng cầu dân ý ngày 16-3.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga đã ra thông cáo nhấn mạnh Mỹ tài trợ cho chế độ bất hợp pháp lên nắm quyền bằng vũ lực ở Ukraine là đi ngược với khuôn khổ hệ thống pháp lý Mỹ.

Thông cáo nhắc đến các điều khoản sửa đổi của Luật về tài trợ năm 1961 (thông qua cách đây vài năm) đã cấm chính phủ Mỹ tài trợ cho chính phủ một quốc gia mà tổng thống hợp pháp được bầu bị phế truất do đảo chính quân sự hoặc một quyết định bất hợp pháp.

Bảng cổ động tham gia trưng cầu dân ý ngày 16-3 ở Crimea (được vẽ bằng màu cờ Nga). Ảnh: AP

Trong khi đó tại Mỹ, ngày 11-3 (giờ địa phương), với 402 phiếu thuận và bảy phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã thông qua nghị quyết lên án quân đội Nga vi phạm chủ quyền, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

Nghị quyết không mang tính chất ràng buộc này đã đưa ra các đề nghị như sau:

Loại Nga khỏi nhóm các nước G8. Kêu gọi Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu gửi quan sát viên đến Ukraine và NATO chấm dứt hợp tác quân sự với Nga.

Chính phủ Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt về visa, tài chính, thương mại và các biện pháp khác đối với các quan chức cao cấp của Nga, các ngân hàng và tổ chức thương mại do nhà nước Nga kiểm soát cũng như các cơ quan nhà nước khác.

Viện trợ kinh tế cho chính quyền mới ở Ukraine và ủng hộ Ukraine giảm lệ thuộc nguồn năng lượng vào Nga.

Song song theo đó, Thượng viện Mỹ cũng đã đồng thuận thông qua nghị quyết lên án Nga can thiệp quân sự vào Ukraine.
Về phía chính quyền mới ở Kiev, Tân Hoa xã đưa tin Ukraine đã kêu gọi Mỹ và Anh là các nước bảo trợ cho hiệp ước Budapest giúp đỡ Ukraine bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Ukraine kêu gọi Mỹ và Anh thực hiện tất cả mọi biện pháp có thể về ngoại giao, chính trị, kinh tế và quân sự để bảo vệ độc lập và chủ quyền của Ukraine.

Ngày 11-3, Hội đồng Phát thanh-truyền hình quốc gia Ukraine đã kêu gọi các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình ngừng phát năm kênh truyền hình nói tiếng Nga. Volia, nhà cung cấp dịch vụ truyền hình lớn nhất ở Ukraine (gần 20% thị phần), đã quyết định ngừng phát nhiều kênh truyền hình sử dụng tiếng Nga.

Bộ Ngoại giao Nga đã yêu cầu Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu cho ý kiến khách quan về vấn đề này. Đại diện của tổ chức này ghi nhận việc cấm phát hình không có căn cứ hợp pháp là một hình thức kiểm duyệt và lợi ích an ninh quốc gia không thể gây phương hại đến tự do báo chí.

HOÀNG DUY

Ngày 12-3, tòa án ở Moscow (Nga) đã ra phán quyết bắt giữ vắng mặt Dmitro Yarosh, người đứng đầu tổ chức dân tộc cực đoan Khu vực cánh hữu (Pravy Sektor) ở Ukraine. Cơ quan điều tra Nga cho biết thông qua trang mạng VKontakte, Dmitro Yarosh đã yêu cầu trùm khủng bố Doku Umarov ủng hộ nhân dân Ukraine bằng cách tổ chức tấn công ở Nga. Nga đã phát lệnh truy nã quốc tế đối với Dmitro Yarosh. Ngày 8-3, Dmitro Yarosh thông báo sẽ ra tranh cử tổng thống ở Ukraine (tháng 5-2014).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm