Ngày 26-12, gần 4.000 người gồm các phần tử chống chính phủ Syria và dân thường đã rời ba khu ở phía nam thủ đô Damascus (Syria) gồm trại tị nạn người Palestine ở Yarmouk cùng với hai khu lân cận ở Qadam và Hajar al-Aswad. Quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang kiểm soát khu Hajar al-Aswad.
Thỏa thuận đầu tiên với IS
AFP dẫn nguồn từ cơ quan an ninh Syria xác nhận thông tin nêu trên và cho biết chính xác có 3.567 người di tản, trong đó có 2.000 tay súng thuộc Nhà nước Hồi giáo tự xưng và tổ chức khủng bố Mặt trận Al Nusra (chi nhánh Al Qaeda ở Syria).
18 xe buýt đã được điều động cho chiến dịch di tản. Mỗi tay súng chống chính phủ di tản được ra đi cùng với gia đình và được mang theo một valy quần áo và vũ khí cá nhân.
Dự kiến những người di tản sẽ đi về Raqqa (căn cứ của Nhà nước Hồi giáo tự xưng) hoặc về Marea thuộc tỉnh Aleppo gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, khu vực do Mặt trận Al Nusra kiểm soát.
Chiến dịch di tản được tiến hành theo một thỏa thuận được đánh giá là vô tiền khoáng hậu giữa chính phủ Syria với đại diện người dân ba khu phố nêu trên. Hai bên đã thảo luận cách đây hai tháng.
Quân đội Syria đã bao vây ba khu phố nêu trên từ năm 2013. Điều kiện sinh hoạt tại các nơi này ngày càng thảm hại. Thỏa thuận đạt được nhắm đến mục đích các tay súng nổi dậy phải ra đi và người dân trong các khu phố bị bao vây sẽ nhận được cứu trợ.
Nguồn tin từ chính phủ Syria ghi nhận đây là thỏa thuận đầu tiên tại Syria có liên quan đến bọn Nhà nước Hồi giáo tự xưng. Trước đây đã có bốn lần đề xuất tương tự nhưng đều thất bại. Trước nay, chính phủ Syria cũng chỉ thỏa thuận ngừng bắn với nhiều nhóm nổi dậy Syria nhưng không phải với Nhà nước Hồi giáo tự xưng.
Từ đầu tháng 4, quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng và Mặt trận Al Nusra đã chiếm 60% trại tị nạn Yarmouk, sau đó rút lui về khu vực 40% chiếm được.
Mừng năm mới tại Syria. Biếm họa của MARIAN KEMENSKY (Slovakia) về Zahran Alloush chỉ huy nhóm Đạo quân Hồi giáo. Ảnh: AFP
Cuộc họp mật trúng tên lửa
Trong khi đó, quân đội chính phủ Syria thông báo trên truyền hình hôm 25-12, máy bay Syria đã tiêu diệt Zahran Alloush, chỉ huy nhóm nổi dậy Đạo quân Hồi giáo (Jaysh al-Islam) hoạt động ở khu vực thủ đô Damascus.
Nguồn tin từ chính quyền Syria cho biết hai máy bay Syria đã bắn bốn quả tên lửa do Nga cung cấp vào địa điểm các nhóm nổi dậy Hồi giáo tổ chức một cuộc họp bí mật nhằm tổ chức lại lực lượng quân sự.
Tổng cộng có 12 tên thuộc nhóm Đạo quân Hồi giáo và bảy tên thuộc nhóm Ahrar al-tCham bị tiêu diệt, trong đó ngoài Zahran Alloush còn có hàng chục tên chỉ huy và bọn cận vệ.
Zahran Alloush, 44 tuổi, bị bắt năm 2009, sau đó đến tháng 6-2011 được thả tự do trong đợt ân xá và đã nhiều lần thoát chết.
Nhóm Đạo quân Hồi giáo ban đầu lấy tên là Tiểu đoàn Hồi giáo (Liwa al-Islam) và đến tháng 9-2013 lấy tên như hiện nay. Quân số đến nay có khoảng 64 tiểu đoàn.
Nhóm này có Saudi Arabia hậu thuẫn, kiểm soát phần lớn ngoại ô phía đông thủ đô, thường xuyên bị không quân Nga và quân đội Syria tấn công.
Nhóm Đạo quân Hồi giáo theo dòng Hồi giáo Salafi nên chống lại dòng Hồi giáo Alawite của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Nhóm này ủng hộ thành lập một Nhà nước Hồi giáo nhưng chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng. Hồi tháng 7, Đạo quân Hồi giáo đã từng xử tử 18 tên Nhà nước Hồi giáo tự xưng.
Đầu tháng 11, nhóm này nhốt binh sĩ và các tín đồ dòng Alawite bị bắt vào cũi đặt nơi công cộng để làm lá chắn ngăn cản không quân Syria ném bom.
Tác động từ một cái chết
Các chuyên gia nhận định cái chết của chỉ huy nổi dậy Zahran Alloush sẽ tác động đến quân nổi dậy Syria, đồng thời có thể ảnh hưởng đến cuộc đàm phán giữa chính phủ Syria và phe đối lập mới khởi đầu.
Chuyên gia Aron Lund nhận định: “Trong hàng ngũ quân nổi dậy Syria, Zahran Alloush là một trong những người hiếm hoi tập trung được quyền lực. Cái chết của Zahran Alloush có thể kéo theo sự tan rã của quân nổi dậy vì Zahran Alloush chỉ huy nhóm Đạo quân Hồi giáo bằng bàn tay sắt với sự hỗ trợ của nhiều thành viên gia đình cũng như người cùng quê Douma”.
Ngày 10-12, nhóm Đạo quân Hồi giáo đã tham dự hội nghị phe đối lập Syria tại Saudi Arabia.
Hội nghị đã nhất trí sẽ bắt đầu đàm phán với chính phủ Syria. Dự kiến đàm phán sẽ được tổ chức tại Genève (Thụy Sĩ) vào cuối tháng 1. Sau đó, chính phủ Syria đã thông báo sẵn sàng tham dự đàm phán và đang chờ xem nhóm đối lập nào dự hòa đàm.
Trong khi đó, ngày 25-12, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã hội đàm với người đồng cấp Qatar Khalid bin Mohammad al-Attiyah tại Moscow.
Nga và Qatar không đồng thuận về tương lai của tổng thống Syria nhưng theo Bộ Ngoại giao Nga, hai bên đã nhất trí một kế hoạch hành động để khuyến khích phe đối lập Syria tham dự hòa đàm với chính phủ Syria.
Nga ủng hộ tổng thống Syria trong khi Qatar và nhiều nước Trung Đông đòi tổng thống Syria phải ra đi.
Tại cuộc họp báo sau hội đàm, ngoại trưởng Qatar chỉ trích tổng thống Syria tiếp tay cho khủng bố, còn ngoại trưởng Nga khẳng định chỉ có nhân dân Syria mới có quyền quyết định tương lai của tổng thống của họ.
Hãng tin Sputnik (Nga) đưa tin tại cuộc họp báo hôm 25-12, Bộ Tham mưu Nga cho biết qua không ảnh chụp gần TP Zakho (Iraq), cơ quan tình báo Nga đã phát hiện 11.775 xe bồn chở dầu của quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng ở hai bên biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq. Bộ tham mưu Nga ghi nhận số xe chở dầu từ Syria đến các nhà máy lọc dầu ở Thổ Nhĩ Kỳ có giảm so với trước. Đến nay không quân Nga đã phá hủy khoảng 2.000 xe chở dầu của chúng. Ngày 25-12, Bộ Quốc phòng Nga đã đưa lên YouTube băng video cho thấy không quân Nga ném bom đoàn xe chở dầu của chúng ở Syria. |