Quốc hội Mỹ đã thông qua hai dự luật nhằm hỗ trợ người biểu tình ở Hong Kong sau khi Thượng viện và Hạ viện nhất trí thông qua một ngày trước đó, đài Sputnik đưa tin.
Các dự luật bao gồm một dự luật lên án cảnh sát xử lý các cuộc biểu tình, và dự luật khác cấm xuất khẩu một số loại đạn nhất định sang Hong Kong.
Quốc hội Mỹ đã thông qua hai dự luật nhằm hỗ trợ người biểu tình ở Hong Kong. Ảnh: REUTERS
Được Thượng viện nhất trí thông qua một ngày trước đó, Hạ viện đã bỏ phiếu cho hai dự luật với tỷ lệ chênh lệch là 417-1. Tuy nhiên, không rõ Tổng thống Donald Trump sẽ phản ứng thế nào khi ông cố gắng tránh đối kháng quá mức với Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại đang diễn ra.
Khi tin tức về dự luật đầu tiên được Thượng viện thông qua tại Sở giao dịch chứng khoán New York vào thứ ba, các thị trường đã phản ứng tiêu cực, đài CNBC đưa tin.
Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong năm 2019 đã được đưa ra hồi tháng 6, ngay sau khi các cuộc biểu tình ở Hong Kong bắt đầu và yêu cầu Ngoại trưởng Mỹ xác nhận lại tình trạng đặc biệt của thành phố này theo Đạo luật Chính sách Hong Kong năm 1992.
Tiến trình thông qua dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong do nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio đệ trình diễn ra nhanh chóng, không gặp bất kỳ sự phản đối nào. Chưa kể, số nghị sĩ ủng hộ dự luật này tăng đột biến trong ngày 18-11 so với từ lúc dự luật được giới thiệu hồi tháng 6.
Theo báo South China Morning Post (SCMP), điều này có liên quan đến diễn biến biểu tình phức tạp ở Hong Kong những ngày qua, đặc biệt việc cảnh sát bao vây cả ngàn sinh viên tham gia biểu tình cố thủ trong Trường Đại học Bách khoa ngày 17-11.
Được Thượng viện nhất trí thông qua một ngày trước đó, Hạ viện đã bỏ phiếu cho hai dự luật với tỷ lệ chênh lệch là 417-1. Ảnh: Twitter
Dự luật cũng quy định các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân chịu trách nhiệm về vi phạm quyền con người ở Hong Kong.
Phát biểu sau khi dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong được Thượng viện Mỹ thông qua, nghị sĩ Rubio nói bằng việc này Thượng viện Mỹ gửi một thông điệp rõ ràng đến những người dân Hong Kong rằng Mỹ lắng nghe, tiếp tục sát cánh và sẽ không ngồi yên" chứng kiến sự tự trị của Hong Kong bị tổn hại.
Ông còn cho biết việc thông qua dự luật này là bước quan trọng để buộc các quan chức Hong Kong và Trung Quốc phải chịu trách nhiệm trong việc vi phạm quyền con người và làm tổn hại sự tự trị của Hong Kong.
Bắc Kinh từ lâu đã phản đối Đạo luật Chính sách Hong Kong là vi phạm chủ quyền của họ, và lập trường của họ vẫn không thay đổi với đạo luật năm 2019. Không lâu sau khi Thượng viện Mỹ thông qua hai dự luật liên quan đến Hong Kong với số phiếu đồng thuận tuyệt đối, Bộ ngoại giao Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố cảnh báo đối với Mỹ.
"Mỹ tiếp tục bỏ qua sự thật, áp dụng tiêu chuẩn kép và can thiệp trắng trợn vào vấn đề Hong Kong cũng như các vấn đề nội bộ khác của Trung Quốc. Hành vi này vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và các chuẩn mực cơ bản điều chỉnh quan hệ quốc tế. Trung Quốc lên án và kiên quyết phản đối, yêu cầu Mỹ phải ngừng ngay lập tức can thiệp vào các vấn đề Hong Kong và các vấn đề nội bộ khác của Trung Quốc hoặc tự lãnh hậu quả xấu", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng chỉ trích trong một tuyên bố hôm 19-11.
Ông này tiếp tục nhấn mạnh Trung Quốc sẽ có các động thái trả đũa và bảo vệ sự toàn vẹn chủ quyền, an ninh của nước này.
Ngoài dự luật về Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong, dự luật thứ hai được Thượng viện Mỹ thông qua là cấm xuất khẩu một số loại vũ khí kiểm soát đám đông cho lực lượng cảnh sát Hong Kong và các mặt hàng khác như hơi cay, bình xịt hơi cay, đạn cao su, súng gây choáng, được biết là những vũ khí mà cảnh sát thành phố đã sử dụng để ứng phó người biểu tình trong bối cảnh các cuộc tấn công.
Hiện vẫn chưa rõ liệu ông Trump có đặt bút ký các dự luật này thành luật chính thức hay không. Về lý thuyết, ông Trump có quyền phủ quyết các dự luật đã được Quốc hội Mỹ thông qua.
Tuy nhiên, theo một quan chức Nhà Trắng giấu tên, việc dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong được thông qua với số phiếu tuyệt đối tại Thượng viện đang đặt ông Trump vào thế khó.
Vị này cho rằng sẽ có một cuộc tranh luận gay gắt giữa các cố vấn của ông Trump và Nhà Trắng về cơ bản sẽ chia thành hai phe.
Đó là phe những người lo ngại việc thông qua hai dự luật liên quan đến Hong Kong có thể làm ảnh hưởng tới các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc, và phe cứng rắn tin rằng đã tới lúc Mỹ phải chống lại Trung Quốc trong vấn đề về quyền con người và vị thế Hong Kong.
Các cuộc biểu tình ở Hong Kong bắt đầu diễn ra hồi tháng 6 sau khi chính quyền Hong Kong dự định thông qua một dự luật dẫn độ, trong đó cho phép đưa người phạm tội sang Trung Quốc đại lục xét xử. Dự luật này đã được chính quyền Hong Kong rút lại sau đó.
Các cuộc biểu tình ở Hong Kong đã tiếp tục bùng phát thành một phong trào đòi dân chủ, chống chính quyền, dẫn tới các vụ đụng độ bạo lực giữa cảnh sát và người biểu tình, cũng như giữa người biểu tình và các thành viên của công chúng. Tính đến hết ngày 18-11, đã có ít nhất 4.600 người bị bắt trong các vụ biểu tình diễn kể từ hồi tháng 6 đến nay.