Thảo luận tại tổ về kinh tế-xã hội sáng 22-5, nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn: Có phải do sắp bầu lại nên ai cũng lo giữ ghế, tâm lý chờ đợi Cương lĩnh, Đại hội Đảng… dẫn đến thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành?
Chưa rõ đường hướng
Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Ngô Minh Hồng đặt câu hỏi: “Trước đây Chính phủ nói qua khủng hoảng sẽ tái cơ cấu nền kinh tế, đầu tư theo chiều sâu, vậy có làm tiếp không? Hay tiếp tục đi theo chiều ngang, 8 đồng vốn mới có 1 đồng GDP? Cứ xuất nguyên liệu thô, nhập thành phẩm…? Chính phủ cần chủ động sớm đưa ra đường hướng. Tôi có cảm giác tâm lý chờ đợi Cương lĩnh, đợi Đại hội Đảng”.
Đại biểu Nguyễn Việt Dũng (TP.HCM) bày tỏ lo lắng: Chiến lược của ta chạy theo chỉ tiêu, thành tích tăng trưởng cao trong khi cái cần là hiệu quả kinh tế lại thấp đi. Không rõ Quốc hội định hướng lại thế nào hay cứ bơm vốn để tăng GDP…?
Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam, ông Phương Hữu Việt, cho biết khu vực tư nhân 3 đồng vốn tạo 1 đồng lời thì tỉ lệ tương ứng đối với doanh nghiệp nhà nước là 12-1. Cho rằng cần xóa bỏ sự ưu ái doanh nghiệp nhà nước, ông ví von: “Bố mẹ lấy tiền của đứa con chỉ tiêu 3 đồng đưa cho đứa con tiêu 12 đồng…”.
Phó đô đốc, Tư lệnh quân chủng Hải quân, Trung tướng Nguyễn Văn Hiến, cho rằng cách điều hành kinh tế-xã hội của chúng ta đang theo kiểu “bắn súng phát một”, “nhằm vào từng mục tiêu tăng trưởng, lạm phát… thế nhưng cần nhất là một chiến lược tổng thể để đón cơ hội thì lại chưa có”.
Phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường. Trong ảnh: Một cơ sở sản xuất ở quận Tân Phú, TP.HCM nhả khói bên cạnh một dòng kênh đen. Ảnh: HTD
Chưa có giải pháp cho môi trường
Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) đánh giá năm 2009, tám chỉ tiêu không đạt được về xã hội (trong đó có chỉ tiêu về tạo việc làm, sử dụng nước sạch, rác thải qua xử lý…) thể hiện tăng trưởng thiếu bền vững. Cái giá phải trả cho phát triển kinh tế là những dòng sông “chết”, những làng “ung thư”, làng “ngứa”…
Đại biểu Trần Đình Long (Dăk Lăk) lo lắng: Ở đồng bằng sông Hồng, với cách quản lý, điều hành hiện nay, bao lâu nữa chúng ta sẽ phải đổi tên sông Hồng thành sông Đen? Chúng ta cứ lo rót vốn, lo làm kinh tế, để cuối chặng đường dài quay lại, lại gồng lên xử lý ô nhiễm cũng không đủ.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Đăng Trừng (TP.HCM) chia sẻ: “Môi trường cỡ này đi ngược với chủ trương phát triển kinh tế bền vững. Vụ Vedan hai năm rồi chưa giải quyết xong. Phát triển để làm gì khi chất lượng sống không được cải thiện?”.
Còn theo đại biểu Trần Hoàng Thám (TP.HCM), dường như điều hành của Chính phủ chưa có lối ra trong việc giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường.
Đầu tư cho nông dân còn chắp vá
Đại biểu Ngô Văn Minh đã dẫn ra đoạn đường đắt nhất hành tinh Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu (Hà Nội), tiêu 642 tỉ đồng làm 547 m đường, tính ra hơn 1 tỉ đồng cho 1 m đường. “Cứ có điều kiện là tiêu tiền trong khi nông thôn, miền núi có nơi còn “trắng” về cơ sở hạ tầng” - ông day dứt.
Trong khi đó, theo Thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn, Phó Tư lệnh Quân khu 5, tỉnh Quảng Nam có ba huyện nghèo, chương trình mục tiêu quốc gia rót xuống cho mỗi huyện 20 tỉ đồng. “Với số tiền này, phải… 70 năm sau huyện mới thoát nghèo” - ông nói.
Ông Nhơn cho rằng không công bằng khi nông dân chiếm tới 70% dân số, là nền tảng bảo đảm sự ổn định của xã hội lại không được đầu tư xứng đáng. “Chúng ta tập trung đầu tư vào những siêu dự án, như đường sắt cao tốc nhưng hạ tầng nông thôn, miền núi, đường tuần tra biên giới… lại thiếu quan tâm kịp thời”.
Đại biểu Nguyễn Anh Liên (Thanh Hóa) nói thẳng: “Không thể để mãi cảnh công trình nhiều mà dân vẫn khổ. Chúng ta đang đầu tư theo kiểu áo rách thì vá. Một khi chiếc áo đã rách, vá chỗ này sẽ rách chỗ kia. Sao không dành lại, mua áo mới cho dân. Phải đầu tư thực hiện an sinh xã hội chứ không phải đầu tư trên chủ trương”.
Bồi thường 300.000 đồng, bán giá 30 triệu đồng Điểm nóng khiếu kiện đất đai chủ yếu do bồi thường thu hồi đất. Có nơi doanh nghiệp chỉ bỏ ra 300.000 đồng bồi thường 1 m2 đất, sau đó bán với giá 30 triệu đồng. Chính phủ đang xem xét xử lý vấn đề này, đảm bảo công khai, minh bạch và hài hòa lợi ích giữa người bị thu hồi đất, doanh nghiệp và nhà nước. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thôngLÊ DOÃN HỢP Ai cũng lo giữ ghế? Thẩm tra của Thường vụ Quốc hội với báo cáo của Chính phủ chưa đủ đô, có phần trên mức tế nhị. Cử tri băn khoăn không biết có phải sắp đại hội, bầu lại nên ai cũng lo giữ ghế. Có phải Quốc hội bắt đầu “về chiều” không? Đại biểu TRẦN HOÀNG THÁM (TP.HCM) Giới trẻ mất định hướng Bộ phận giới trẻ đang mất định hướng về giá trị, chỉ từ những mâu thuẫn nhỏ mà gây nên chuyện động trời, “ngồi uống nước nhìn nhau, cho là nhìn đểu rồi đâm chém nhau…”. Dù kinh tế phát triển, có tiền tỉ cũng không giải quyết xong những vấn đề này. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luậtNGUYỄN VĂN THUẬN Phải hỗ trợ ngư dân Ở Quảng Ngãi có những gia đình ngư dân đi đánh bắt xa bờ bị nước ngoài bắt tới lần thứ năm. Nhưng chúng ta vẫn phải để cho dân ra khơi đánh cá, vẫn phải khẳng định chủ quyền biển, đảo của mình. Đề nghị Chính phủ cần quan tâm hơn, hỗ trợ cho những gia đình ngư dân bị bắt, bị tịch thu tài sản, động viên người dân tiếp tục ra khơi đánh cá vì không đi biển thì họ không có gì để sống. Phó Chủ tịch Quốc hội HUỲNH NGỌC SƠN Chúng tôi cần địa chỉ! Báo cáo của Chính phủ nêu: Vai trò chủ đạo và điều tiết thị trường của một số tập đoàn và tổng công ty nhà nước có nơi, có lúc làm chưa tốt, sử dụng vốn và đất đai, tài sản còn lãng phí. Các hiệp hội chưa phát huy đầy đủ vai trò của mình trong việc ép giá thu mua, giá xuất khẩu gây thiệt hại cho người sản xuất. Đánh giá này là đúng nhưng chúng tôi cần địa chỉ. Cần phải có địa chỉ cụ thể để những “đối tượng” nêu trong báo cáo cũng cần phải có sự rút kinh nghiệm. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp LÊ THỊ NGA |
V.TIẾN - T.VĂN - T.NGUYỆT