3 câu hỏi lớn về ‘thế giới hậu COVID-19’

Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva hôm 9-4 nhận định đại dịch COVID-19 đã gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu không giống bất kỳ cuộc suy thoái nào trước đây. IMF đã dự đoán tăng trưởng toàn cầu sẽ chuyển biến xấu trong năm nay, khi có đến 170/180 thành viên của IMF chứng kiến sự suy giảm thu nhập bình quân đầu người.

Không chỉ kinh tế, đại dịch COVID-19 làm thay đổi cơ bản, thậm chí trong nhiều trường hợp làm thay đổi mạnh mẽ các mối quan hệ về chính trị, đời sống - xã hội của người dân ở phạm vi toàn cầu.

Sự lo lắng sẽ kéo dài bao lâu?

Những ngày cuối năm 2019, đại dịch xuất hiện tại Vũ Hán, Trung Quốc (TQ). Thế giới bắt đầu chứng kiến quá trình phát triển, lây lan của dịch bệnh: Từ tin đồn “bệnh lạ” đến những ca tử vong đầu tiên. Sau đó, hàng loạt ca nhiễm và tử vong, virus được xác định là Corona chủng mới. Chính quyền Bắc Kinh tuyên bố phong tỏa, đóng cửa nhiều thành phố lớn của đất nước.

Phương Tây đã đứng ngoài cuộc từ đầu. Họ cho rằng dịch bệnh chỉ mang tính cục bộ, đến từ những nơi mà họ nghĩ là “nhếch nhác” như chợ hải sản ở Vũ Hán, hay những món ăn “ghê rợn” như thịt dơi hay thú hoang dã ở phương Đông. Dịch bệnh lây lan nhiều nước châu Á và xuất hiện ở châu Âu, các chính trị gia Mỹ, Âu vẫn gọi đó là “cúm mùa thôi” cho đến khi dân bắt đầu tử vong hàng loạt, đồng hồ thống kê ca nhiễm nhảy đến mức chóng mặt.

Lo âu tăng đều theo những con số thống kê thiệt hại. Lo về bệnh tật, thiếu máy thở, thiếu thuốc; lo thiệt hại kinh tế, tài sản; lo người dân bạo loạn, cướp bóc; lo thảm họa nhân đạo ập xuống với hàng tỉ người nghèo khó, dễ bị tổn thương. Lo âu khi những chính trị gia rắn rỏi như Thủ tướng Anh Boris Johnson, người được mệnh danh là “ông Trump của nước Anh”, đã phải nhập viện và phải áp dụng chế độ chăm sóc đặc biệt, khi trước đó không lâu ông còn tuyên bố “tự cách ly tại nhà” và tin rằng sẽ tự khỏi sau bảy ngày (như nhiều người khác).

Nếu dịch kết thúc trong năm nay nhờ vào giải pháp đóng cửa, phong tỏa, cách ly như hàng loạt quốc gia đang làm để tăng giãn cách xã hội (social distancing) thì nỗi lo chỉ giảm đi một phần rất nhỏ. Nếu may mắn có vaccine, dịch COVID-19 sẽ trở thành “cúm mùa mới” không hơn không kém, thế giới sẽ trở lại những ngày thường nhật với sự mở cửa, thông thương phục hồi kinh tế.

Nếu vaccine vẫn còn là một dấu hỏi, dịch COVID-19 chực chờ bùng phát thì thế giới chắc chắn - trong kịch bản lạc quan nhất - cũng chỉ dám “mở hé cửa”. Thế giới “không còn phẳng” như mô tả trong quyển sách kinh điển của Thomas L.Friedman. Mà chính xác hơn, nói như GS Stephen M. Walt (ĐH Harvard, Mỹ) trên tạp chí Foreign Policy: “COVID-19 sẽ tạo ra một thế giới ít cởi mở hơn, ít thịnh vượng hơn và ít tự do hơn.” Sự chết chóc, bị động và phản ứng chậm chạp của giới tinh hoa phương Tây - vốn chi phối mạnh mẽ tăng trưởng của thế giới - đã đưa con người vào một giai đoạn dè dặt, rủi ro và khép kín.

Cho đến hôm nay, câu trả lời thuyết phục nhất đối với sự lo lắng chính là vaccine. Và thế giới đang chạy đua để có đáp án ấy.

Thế giới bước vào giai đoạn lo lắng, ngăn cản COVID-19 tạo ra một thế giới ít cởi mở hơn, ít thịnh vượng hơn và ít tự do hơn. Ảnh: CODEPINK

Ai làm bá chủ thế giới “hậu COVID-19”?

Câu hỏi ai sẽ tìm ra vaccine sẽ phần nào định hình nên đáp án của thắc mắc: Ai sẽ là bá chủ của thế giới, nếu không còn là Mỹ? Washington mất nhiều thập niên để thiết lập một trật tự mà nước này làm lãnh đạo, không chỉ ở các mối quan hệ giữa Mỹ với các quốc gia, các nhóm quốc gia, thể chế khu vực mà cả vai trò của nước này trong các thể chế quan trọng toàn cầu như Liên Hiệp Quốc (UN), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và những cơ quan tương tự.

3 câu hỏi lớn về ‘thế giới hậu COVID-19’ ảnh 2
 

Shannon K. O’Neil, chuyên gia nghiên cứu Mỹ Latinh, nhận định COVID-19 đang làm suy yếu các nguyên lý cơ bản của nền sản xuất toàn cầu. Các tập đoàn giờ đây, dưới ảnh hưởng của đại dịch, sẽ xem xét lại và thu hẹp chuỗi cung ứng sản xuất gồm nhiều khâu và nhiều quốc gia, trong đó có sự chuyên môn hóa cao cho từng quốc gia. Nền sản xuất theo mô hình chuyên môn hóa là đặc thù cơ bản của toàn cầu hóa, vốn vẫn thống trị chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay. 

Trong cuộc chiến chống COVID-19, nước Mỹ đã bị động và bỏ qua giai đoạn vàng để chống dịch khiến con số ca nhiễm và tử vong tăng mạnh. Vai trò dẫn dắt của Mỹ không rõ ràng trong bối cảnh thế giới cần sự đoàn kết, liên minh để có giải pháp chung. Các thể chế như UN, WHO vốn lâu nay chịu sự chi phối lớn của Mỹ cũng im hơi lặng tiếng, thậm chí Mỹ và WHO còn có dấu hiệu rạn nứt.

Nhiều người cho rằng TQ sẽ thay thế Mỹ. Bắc Kinh tranh thủ tiến hành các chương trình ngoại giao, viện trợ hàng loạt quốc gia để gia tăng ảnh hưởng. Truyền thông nhà nước TQ và quốc tế từ tháng 3 đã tuyên bố kiểm soát thành công đại dịch, sẵn sàng hỗ trợ quốc tế để chống thảm họa lần này. Từ đó, cái gọi là “bài học chống dịch” từ TQ bắt đầu lan tỏa.

“Giãn cách xã hội” vốn là bài học được nghiên cứu kỹ tại phương Tây. Tuy nhiên, đến khi COVID-19 tàn phá Mỹ lẫn châu Âu thì khái niệm này, hiểu nôm na là phong tỏa, cách ly, hạn chế đi lại, đeo khẩu trang… được gắn với thành công của TQ. Nhiều chuyên gia nhận định TQ đang tạo ra một tiêu chuẩn mới về chống đại dịch/thảm họa. Tất cả sẽ là tiền đề cho sự lãnh đạo của TQ ở thế giới hậu COVID-19.

Tuy nhiên, mọi chuyện không đơn giản như vậy ngay cả khi giả thuyết TQ thắng Mỹ trong cuộc chiến chống COVID-19 thành hiện thực. Trừ khi Mỹ mặc kệ cho đại dịch hoành hành, tàn phá mọi thứ. Washington thực tế đang có một cuộc chạy đua mãnh liệt với TQ về khống chế dịch. Chí ít Mỹ đã đầu tư vào các cơ quan nghiên cứu vaccine, đồng thời tận dụng thế mạnh của một nền thương mại tự do lâu năm để săn lùng vaccine chống dịch. Chương trình chống dịch rõ ràng đang đi vào nghị sự hàng đầu Mỹ và đã làm thay đổi phần nào thông điệp, chiến lược tranh cử của các ứng viên tổng thống 2020.

Uy tín của Mỹ có thể bị suy giảm vì dịch COVID-19 nhưng nếu nói về các giá trị căn bản của một siêu cường hàng đầu, bao gồm nguồn lực quốc gia, sự hiện diện toàn cầu trên mọi lĩnh vực, sức hấp dẫn và độ tin cậy từ các nước khác thì TQ có lẽ chưa thể thay thế Mỹ. Đặc biệt, thông điệp “sự trỗi dậy hòa bình” của TQ trong thời gian qua liên tục bị hoài nghi, chỉ trích sau khi nước này để lộ các tham vọng bá quyền, chí ít là ở điểm nóng biển Đông.

Toàn cầu hóa sẽ thất bại?

Từ TQ, virus gây bệnh COVID-19 theo đường hàng không, đường biển, đường sắt, đường bộ… đi khắp hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mặt trái của toàn cầu hóa, chí ít là khi có thảm họa, đã lộ rõ hơn bao giờ hết. Sự chần chừ của nhiều nước trong việc đóng cửa đất nước vì phải cân nhắc giữa “chống dịch” và “thiệt hại kinh tế” cho thấy các lãnh đạo thời toàn cầu hóa phải đứng trước thế lưỡng nan. Tất nhiên, quốc gia nào càng trì hoãn “giãn cách xã hội” thì kết quả chỉ có một: Vỡ trận dịch bệnh, hệ thống y tế quá tải, xã hội hỗn loạn.

TS Robin Niblett, Giám đốc Viện Nghiên cứu quốc tế Hoàng gia Anh (Chatham House), nói trên Foreign Policy nhắc lại một câu chuyện ngụ ngôn cổ, cho rằng: Đại dịch COVID-19 có thể sẽ là “cọng rơm làm gãy lưng con lạc đà” vốn đang chở trên lưng nền toàn cầu hóa kinh tế. Sự phân chia lao động đã và đang bị chỉ trích nặng nề khi khiến các cường quốc như Mỹ phải phụ thuộc vào nền sản xuất của các nước châu Á, trong đó có đối thủ TQ. Việc phải đóng cửa kéo dài vì dịch khiến các nước phải quay lại giai đoạn “tự lực cánh sinh” khi các nhà máy vốn phải “trùm mền” nhiều năm ở phương Tây nay sẽ vận hành trở lại để tự trang bị từng chiếc khẩu trang, từng bộ đồ bảo hộ y tế, từng viên kháng sinh.

Còn sớm để khẳng định toàn cầu hóa sẽ bị suy thoái nhưng nếu đại dịch kéo dài và tình hình phong tỏa tiếp diễn thì COVID-19 không chỉ gặm nhấm sức khỏe của người bệnh mà còn gặm nhấm luôn cả các nền tảng hợp tác quốc tế trong sản xuất, thương mại vốn được vận hành hàng thế kỷ qua. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm