Biển Đông sẽ thế nào nếu Manila điều dân quân?

Tờ South China Morning Post ngày 24-10 dẫn lời các nhà phân tích về khả năng gia tăng các cuộc đụng độ gần giữa các lực lượng phi quân sự ở Biển Đông nếu kế hoạch triển khai lực lượng dân quân trên biển của Philippines được thực hiện.

Trước đó, Tư lệnh Hải quân Philippines Giovanni Carlo Bacordo đã thông báo rằng khoảng 240 dân quân sẽ được triển khai tới vùng biển tranh chấp ở bãi cạn Scarborough. Lực lượng này sẽ tuyển chọn ngư dân và tổ chức họ thành các đơn vị dân quân trên biển nhằm ngăn Trung Quốc (TQ) tăng cường hiện diện ở vùng biển tranh chấp.

Tuy nhiên, việc thực hiện kế hoạch vẫn chưa rõ ràng vì Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana cho biết không đủ ngân sách chính phủ cho việc này.

Đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng hiện đang bị Philippines chiếm đóng trái phép. Ảnh: KHÔNG QUÂN PHILIPPINES

Ông Cheng Xiangmiao - nhà nghiên cứu liên kết với Viện Quốc gia Nghiên cứu Biển Đông cho biết kế hoạch này có thể là phản ứng của Philippines trước căng thẳng trong khu vực trong một hoặc hai năm qua và áp lực trong nước để bảo vệ ngư dân.

Năm ngoái, có ít nhất 100 tàu đánh cá TQ được tổ chức giống như lực lượng dân quân, đã tập trung gần đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng hiện đang bị Philippines chiếm đóng trái phép.

Không có số liệu chính thức của TQ, nhưng Mỹ ước tính có tới 20.000 tàu thuộc lực lượng dân quân của nước này hoạt động ở Biển Đông.

TQ có lịch sử lâu đời về lực lượng dân quân hàng hải cũng như thành thạo trong việc huy động ngư dân và tàu thuyền trong các hoạt động nhằm khẳng định yêu sách ở Biển Đông đang tranh chấp.

Tàu cá Trung Quốc hoạt động gần bãi Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: AP

Các trường hợp đáng chú ý nhất bao gồm việc ngư dân TQ cản trở hoạt động của tàu hải giám USNS Impeccable của Mỹ vào năm 2009.

Theo ông Collin Koh - nhà nghiên cứu từ Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam (Singapore), "TQ sử dụng lực lượng dân quân hàng hải để củng cố các tuyên bố chủ quyền ở vùng biển tranh chấp".

"Có thể coi lực lượng dân quân hàng hải là một phần của phương pháp tiếp cận 'toàn quốc gia' hoặc 'toàn xã hội' trong việc đảm bảo lợi ích quốc gia trên biển" - ông nói thêm.

Theo báo cáo của Lầu Năm Góc, Mỹ coi lực lượng dân quân biển TQ đóng vai trò "chính trong các hoạt động cưỡng chế nhằm đạt được các mục tiêu chính trị của Trung Quốc".

Năm 2019, Tư lệnh Hải quân Mỹ lúc bấy giờ là Đô đốc John Richardson đã nói với người đồng cấp TQ Thẩm Kim Long rằng cách Washington sẽ đối xử với lực lượng dân quân, lực lượng tuần duyên và hải quân TQ là như nhau.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm