Cái giá phải trả nếu Mỹ thực sự tấn công Iran

Việc Iran bắn rơi máy bay giám sát không người lái của quân đội Mỹ vào tuần trước đã dẫn đến một sự bùng nổ khác trong mối quan hệ căng thẳng giữa Tehran và Washington. Đâu có thể là kết quả của cuộc xung đột có khả năng xảy ra giữa hai quốc gia này?

Ông Mikhail Khodarenok, đại tá đã nghỉ hưu tại ban điều hành của Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Nga đã đưa ra bình luận về vấn đề này với hãng thông tấn RT như sau.

Ngay sau khi máy bay Global Hawk UAV bị bắn hạ, tờ The New York Times đưa tin Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phê chuẩn các cuộc không kích vào Iran, nhưng đã thay đổi quyết định vào phút chót.

Ảnh: RT

Quyết định khởi động một chiến dịch quân sự chống lại Iran, bao gồm cả thời gian và địa điểm cụ thể, thường phải được đưa ra bởi một nhóm rất nhỏ các quan chức chính trị và quân sự hàng đầu của Mỹ. Trong các cuộc họp như vậy, thông tin không thể nào rò rỉ ra ngoài.

Bây giờ, hãy để ý vào một số chi tiết. Sự khác biệt giữa một cuộc không kích và một chiến dịch, là khá quan trọng, ít nhất là về thời lượng, và các lực lượng và thiết bị liên quan. Sẽ tốt hơn chúng ta biết được liệu tờ The New York Times đang nói đến một cuộc không kích hay một chiến dịch toàn diện trên không.

Điều thú vị hơn là bài báo viết rằng các cuộc tấn công đã được lên kế hoạch vào sáng sớm để giảm thiểu số người chết cho quân đội và dân thường của Iran.

Mục đích của bất kỳ cuộc xung đột quân sự nào là gây sát thương cho kẻ thù nhiều nhất có thể về mặt con người, thiết bị quân sự và các thiết bị khác. Tất nhiên, sẽ là tốt nhất nếu tổn thất dân sự được giữ ở mức tối thiểu, nhưng đối với Mỹ, đây có vẻ là mục tiêu thứ yếu chứ không phải là mục tiêu chính.

Theo truyền thống, Hải quân và Không quân Mỹ tấn công trước bình minh chỉ với một mục đích - để tránh bị bắn bởi pháo phòng không (cả tầm ngắn và tầm trung), cũng như một số hệ thống phòng không có theo dõi quang học. Bên cạnh đó, một cuộc tấn công vào buổi tối sẽ ảnh hưởng đến tinh thần của quân lính địch.

Ở đây chúng ta cần hiểu rằng Iran sẽ trả đũa ngay lập tức và Tehran không phải không có khả năng làm điều đó. Nói cách khác, đây sẽ là một cuộc chiến toàn diện. Đối với Mỹ, đây sẽ không phải là cuộc không kích không dẫn đến hậu quả như ở Syria. Và Mỹ dường như rất mơ hồ về việc chiến thắng quân sự trước Iran sẽ như thế nào.

Không còn nghi ngờ gì về việc một chiến dịch trên không kéo dài của Mỹ sẽ làm suy yếu đáng kể tiềm năng kinh tế và quân sự của Iran như ở Afghanistan, phá hủy hoàn toàn các ngành sản xuất và xuất khẩu dầu khí của nước này.

Rất khó đoán được một chiến dịch như vậy có thể kéo dài bao lâu, nhưng chúng ta có các ví dụ về Chiến dịch Bão táp Sa mạc năm 1991 khi các cuộc không kích kéo dài trong 38 ngày hay các đánh bom tiếp diễn trong 78 ngày vào Nam Tư vào năm 1991. Vì vậy, về mặt lý thuyết, Mỹ có thể đánh bom Iran trong 100 ngày, phá hủy nền kinh tế và cơ sở hạ tầng của nước này từng bước một.

Tuy nhiên, cái giá mà Mỹ sẽ phải trả khi bắt đầu một cuộc xung đột quân sự như vậy có thể trở nên rất đắt.

Chẳng hạn, Iran có thể đáp trả sự xâm lược của Mỹ bằng cách phóng tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm ngắn vào các mỏ và ga khí đốt ở Saudi Arabia, Qatar, Kuwait và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).

Nếu một cuộc chiến như vậy thực sự xảy ra, rủi ro sẽ rất cao. Vì vậy có nhiều lý do để tin rằng tên lửa Iran không chỉ được trang bị đầu đạn phân mảnh nổ thông thường, mà còn mang theo các chất độc và bom bẩn.

Đầu tiên, cần chỉ ra rằng mặc dù khả năng của các cơ quan tình báo Mỹ gần như vô hạn, khá nhiều địa điểm phóng tên lửa của Iran vẫn chưa được tìm ra. Thứ hai, các hệ thống phòng không của Mỹ ở Vịnh Ba Tư dù hiệu quả đến đâu cũng không thể bắn hạ mọi tên lửa của Iran. Và thậm chí một số ít tên lửa của Tehran có thể tiếp cận cơ sở hạ tầng quan trọng ở khu vực Vịnh Ba Tư cũng đủ để gây ra sự tàn phá.

Trên hết, có nhiều câu hỏi liên quan đến độ tin cậy của các hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa mà các quốc vương vùng Vịnh Ba Tư triển khai để bảo vệ các nhà ga khí đốt của họ và cơ sở hạ tầng dầu khí khác.

Nếu kịch bản này trở thành sự thật, điều đó sẽ mang lại sự hỗn loạn không thể tưởng tượng được cho nền kinh tế toàn cầu và ngay lập tức sẽ đẩy giá dầu lên tới 200-250 USD. Đây chỉ là ước tính thấp nhất. Chính những hệ lụy này rất có thể khiến Mỹ không thể tấn công Iran.

Để giải quyết vấn đề của Iran một lần và mãi mãi, Mỹ sẽ cần phải tiến hành một chiến dịch trên bộ với quy mô lớn, với quân đội Mỹ đổ bộ Iran. Mỹ sẽ phải quét sạch cả lực lượng quân sự của Iran và Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo, lật đổ ban lãnh đạo hiện tại của Iran và hiện diện quân sự ở mọi thành phố lớn trong vòng 10 đến 15 năm tới, kiểm soát chặt chẽ toàn bộ đất nước cùng một lúc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm