Nhật sắp thua TQ trong trận chiến PR toàn cầu

Những sự kiện trên đã giúp Bắc Kinh tô vẽ nên một Tokyo là tội phạm của châu Á.

Nhật , thua, TQ , khẩu chiến, PR ,toàn cầu
 

Quan hệ Trung Nhật đã căng thẳng từ lâu do những tranh chấp về lãnh thổ, sự kình địch trong vùng cũng như những bất đồng xuất phát từ kỷ niệm cay đắng mà Trung Quốc phải nếm trải khi quân Nhật chiếm đóng một số phần lãnh thổ nước này trước và trong Thế chiến II. Quan hệ lãnh lẽo giữa hai nước trở nên rõ rệt hơn sau mối hận thù liên quan tới các đảo tranh chấp ở Hoa Đông, vốn bùng phát năm 2012.

Bắc Kinh đã đẩy mạnh chiến dịch làm lay chuyển quan điểm của cộng đồng quốc tế kể từ chuyến thăm ngôi đền chiến tranh Yasukuni ở Tokyo hôm 26/12/2013 của ông Abe. Đền thờ này bị các nhà chỉ trích coi là một biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt Nhật trong quá khứ vì nó thờ cả những tội phạm chiến tranh.

Chiến lược trên đã giúp Trung Quốc dịch chuyển một phần sự quan tâm của công chúng khỏi cuộc tranh luận về sự quả quyết quân sự ngày càng tăng của nước này ở châu Á, gồm cả tăng chi tiêu quân sự hai con số và việc thiết lập vùng nhận diện phòng không ở Hoa Đông - hành động bị Tokyo và Washington lên án, các chuyên gia nhận định.

"Ngay lúc này, đó là một cuộc chiến thật sự", Shin Tanaka, Chủ tịch FleishmanHillard Japan Group ở Tokyo, một công ty tư vấn truyền thông cho biết.

"Nhật và Trung đang dùng những tên lửa được gọi là "thông điệp" và thực tế là giữa hai nước có nhiều thương tổn đã xảy ra", Tanaka cho hay. Ông này cũng cảnh báo về những phản ứng chủ nghĩa dân tộc của cả hai bên lẫn những tác hại có thể có với quan hệ thương mại Trung Nhật.

Thủ tướng Nhật liên tục nói, ông không tới đền thờ thờ tội phạm chiến tranh mà ông đến đó để tưởng nhớ những người đã hy sinh vì đất nước và thề Nhật sẽ không bao giờ phát động chiến tranh lần nữa.

Phát đi những thông điệp như vậy không phải dễ, các chuyên gia về chính trị và truyền thông cho biết. "Chuyến thăm đền Yasukuni của Thủ tướng Nhật đã cho Trung Quốc cơ hội để tấn công nước này và phát đi thông điệp rằng Trung Quốc là một quốc gia tốt còn Nhật là một nước tồi tệ".

Ngoài ra, chuyến thăm đền của ông Abe đã tạo điều kiện cho Bắc Kinh liên kết kế hoạch tăng cường quân sự và nới lỏng hạn chế với hiến pháp hòa bình với quá khứ quân phiệt của Tokyo.

Những bình luận gần đây về cuộc chiến trong quá khứ của Chủ tịch đài NHK và các thành viên trong ban thị trưởng cũng làm lợi cho chiến dịch PR của Trung Quốc.

Kể từ đầu năm nay, đại sứ Trung Quốc và các quan chức khác của nước này đã tấn công Nhật 69 lần trên truyền thông toàn thế giới, Bộ Ngoại giao Nhật cho hay. Chiến dịch này gồm phỏng vấn, viết bình luận và họp báo.

Tính đến 10/2, Nhật đã đưa ra bác bỏ trong 67 trường hợp và hai cái đang xem xét, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nhật là Masaru Sato nói.

Khi được hỏi liệu Trung Quốc đã giành được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế chưa, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hua Chunying nói, những nước như Hàn Quốc - cũng có những ký ức đau đớn về thời kỳ bị Nhật chiếm đóng 1910-1945, cũng chỉ trích Tokyo.

Cuộc khẩu chiến đã lan khắp toàn cầu, từ những nơi như London, Washington tới các nơi hẻo lánh như Fiji và Nam Sudan.

Những lời qua tiếng lại nổi tiếng nhất chính là "cuộc tấn công Voldemort" trong đó đại sứ Trung Quốc tại Anh Liu Xiaoming so sánh Nhật với chúa hung ác trong câu chuyện trẻ em Harry Potter. Đáp lại, phái viên Nhật Keiichi Hayashi tố Trung Quốc có nguy cơ trở thành "Voldemort của châu Á".

Tuy vậy, một số người ở Nhật vẫn sợ chiến dịch PR của Trung Quốc có tác động tới dư luận thế giới. "Một lời nói dối được lặp đi lặp lại tới mức mọi người bị tẩy não và bắt đầu tin là nó có thật", Akira Sato, người đứng đầu ban quốc phòng của đảng cầm quyền Dân chủ Tự do Nhật nói.

Phương pháp phản ứng của Tokyo hiện không đủ để lay chuyển dư luận thế giới, một số chuyên gia về PR cho hay. Điều này cũng là lo lắng của một số nhà ngoại giao Nhật.

Theo Hoài Linh (VNN / Reuters)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm