Vụ ông Navalny: EU có rất ít lựa chọn để gây sức ép lên Nga

Theo kênh DW, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã yêu cầu Moscow đưa ra câu trả lời sau khi nói “có bằng chứng rõ ràng” chuyện thủ lĩnh đối lập Nga Alexei Navalny bị đầu độc. Tuy nhiên, phương Tây thực sự có thể làm gì để gây sức ép lên Nga?

Thủ tướng Merkel đã mô tả vụ đầu độc ông Navalny, người đang được điều trị tại Bệnh viện Charite ở Berlin, là “âm mưu giết người”. Các cuộc xét nghiệm cho kết quả ông Navalny bị trúng độc Novichok – chất độc thần kinh được phát triển tại Liên Xô giai đoạn thập niên 70-80 của thế kỷ trước.

Nhân vật đối lập Nga Alexei Navalny. Ảnh: Sefa Karacan/Anadolu Agency/Getty Images

Bà Merkel cùng giới lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã yêu cầu chính phủ Nga giải thích.

Tuy nhiên, Điện Kremlin bác cáo buộc ông Navalny bị đầu độc, nói rằng họ muốn kiểm tra kết quả xét nghiệm. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas thông báo rằng Berlin sẽ trao đổi với các đối tác để đưa ra “câu trả lời thích hợp” cho Moscow trong vài ngày tới.

Đòn đáp trả “thích hợp” là gì?

Viết trên tạp chí Zeit (Đức), nhà khoa học chính trị Klaus Segbers cho hay với việc Nga kiểm soát một phần lãnh thổ Georgia và Ukraine, bắn rơi máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines cùng nhiều cuộc tấn công nhằm vào các chính trị gia đối lập, Moscow cho thấy họ không quan tâm tới việc giao tiếp với phương Tây.

Ở chiều ngược lại, ông Helmut Scholz – nghị sĩ người Đức của Nghị viện châu Âu không đồng ý với nhận định của ông Segbers. Ông Scholz lập luận rằng việc tăng cường quan hệ với Nga là điều quan trọng.

“Tôi không nghĩ rằng căng thẳng và đối đầu hơn sẽ giúp ích cho quan hệ song phương” – ông nói.

Ông Scholz kêu gọi hợp tác với Nga, nhưng nói thêm rằng cơ quan mật vụ của Nga và EU nên hợp tác nhiều hơn nữa.

Nhân viên y tế đưa ông Navalny lên một máy bay y tế của Đức tại sân bay ở TP Omsk (Nga) hôm 22-8. Ảnh: AP

Ông Segbers và Chủ tịch Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Đức – ông Norbert Röttgen đã kêu gọi trừng phạt Nga và chấm dứt dự án đường ống khí đốt Nord Stream 2 vốn đã hoàn thành 90% và dẫn khí gas trực tiếp từ Nga sang Đức.

Trả lời DW, ông Alexander Graf Lambsdorff thuộc đảng Dân chủ Tự do (FDP) của Đức nói rằng sẽ không có ý nghĩa gì nếu chấm dứt hoàn toàn dự án Nord Stream 2. Tuy vậy, ông cũng nói cần có lệnh tạm hoãn dự án này cho tới khi trường hợp của ông Navalny được giải quyết.

Ông Lambsdorff chỉ ra rằng Nga sẽ không chịu thiệt hại lớn nếu Nord Stream 2 không được hoàn thành. Đường ống dẫn khí đốt này vẫn sẽ được bán cho khách hàng ở phương Tây - những người cần nó.

Đức, EU có ít biện pháp để gây sức ép lên Nga

“Chúng ta phải nhớ rằng EU và Đức có rất ít biện pháp để gây sức ép thật sự lên Nga” – ông Hans-Henning Schröder của Viện Nghiên cứu Đông Âu tại ĐH Tự do Berlin (Đức) nhận định.

Trả lời DW, ông Schröder cho hay biện pháp thực sự duy nhất có tác động đó là nếu Đức và EU ngừng nhập khẩu khí đốt của Nga.

“Tuy nhiên điều này không thực tế vì sẽ cực kỳ tốn kém và đòi hỏi một cuộc tái tổ chức hậu cần khổng lồ” – ông nói.

Theo Ủy ban châu Âu, xuất khẩu dầu khí từ Nga sang EU đã tăng lên trong những năm gần đây bất chấp căng thẳng dâng cao. Hơn một nửa nguồn cung cấp khí đốt của Đức là đến từ Nga.

“Sẽ là sai lầm khi phản ứng vụ đầu độc ông Navalny bằng các lệnh trừng phạt kinh tế hơn nữa. Điều này sẽ tác động lên các công ty và người dân Nga vốn chẳng có liên quan gì tới vấn đề này” – ông Oliver Hermes, Chủ tịch Ủy ban về quan hệ kinh tế Đông Âu của Đức lập luận.

Không có lý do gì để đổ lỗi cho Nga vụ ông Navalny

Hôm 20-8, máy bay chở thủ lĩnh đối lập Nga Alexei Navalny hạ cánh khẩn tại TP Omsk (Nga) sau khi ông đột nhiên bị bệnh. Ông Navalny được đưa tới một bệnh viện trong tình trạng hôn mê và phải thở máy. Hôm 22-8, ông được đưa tới bệnh viện Charite ở Berlin (Đức) để chữa trị.

Theo hãng tin TASS, hôm 3-9, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định rằng không có lý do gì để đổ lỗi cho Nga về những gì đã xảy ra với ông Navalny.

“Tôi sẽ chọn lựa từ ngữ cẩn thận khi nói về những cáo buộc chống lại nhà nước Nga vì không có lý do gì để cáo buộc nhà nước Nga. Chúng tôi cũng không có khuynh hướng chấp nhận bất kỳ cáo buộc nào trong vấn đề này” – ông Peskov nói.

Ông nói thêm ông không nhận thấy người Nga có lợi gì khi đầu độc ông Navalny.

“Chúng tôi nhất định sẽ không như những đối tác của mình tại Đức và tại các nước châu Âu vội vàng kết luận và đưa ra đánh giá” – ông Peskov nói. Ông thêm rằng Moscow muốn duy trì đối thoại trong vấn đề này với những nước trên.

Điện Kremlin hy vọng Đức sẽ chia sẻ những phát hiện của họ về trường hợp của ông Navalny với Nga.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm