CIA 'đau đầu' vì quyết định rút quân khỏi Afghanistan

Theo tờ The New York Times, việc Mỹ nhanh chóng rút quân khỏi Afghanistan đang tạo ra sức ép dữ dội đối với Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA). Tổ chức này buộc phải tìm ra những cách thức mới để thu thập thông tin tình báo và thực hiện các cuộc tấn công chống khủng bố trong nước. Tuy nhiên, hiện CIA hầu như chưa có "lựa chọn tốt".

Một binh sĩ Afghanistan đang làm nhiệm vụ ở tỉnh Helmand (Afghanistan) vào tháng 5. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Sắp tới, CIA sẽ mất các căn cứ ở Afghanistan - nơi cơ quan này đã thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu và các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái trong lúc theo dõi chặt Taliban và các nhóm khác như al-Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng. Các nhà phân tích của CIA đang cảnh báo về những rủi ro ngày càng gia tăng khi các căn cứ này được Taliban tiếp quản.

Giám đốc CIA William J. Burns cũng lên tiếng thừa nhận những thách thức mà cơ quan phải đối mặt. Vào tháng 4, ông đã nói với các thượng nghị sĩ rằng: "Đến thời điểm quân đội Mỹ rút quân, khả năng thu thập và hành động của chính phủ Mỹ đối với các mối đe dọa sẽ giảm đi. Đó là sự thật".

Vấn đề trong nước

Dù các quan chức Mỹ vẫn đang nỗ lực vào phút chót để đảm bảo các căn cứ gần Afghanistan cho các hoạt động trong tương lai, nhưng các tranh cãi tiếp diễn đã cản trở các cuộc đàm phán ngoại giao.

Hiện quân đội Mỹ hối thúc hoàn tất việc rút quân trong khoảng nửa đầu tháng 7, bất chấp việc trước đó Tổng thống Joe Biden đã cam kết sẽ hoàn thành việc này trước ngày 11-9, theo các quan chức Mỹ và các chuyên gia khu vực.

Các nhà ngoại giao cũng đang tìm cách khôi phục quyền tiếp cận các căn cứ ở các nước trước đây thuộc Liên Xô từng được sử dụng cho cuộc chiến Afghanistan, dù họ biết chắc rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ phản đối quyết liệt điều này.

Pakistan

Một vấn đề trọng tâm khác là Pakistan. CIA đã sử dụng một căn cứ ở Pakistan trong nhiều năm để tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào các chiến binh ở vùng núi phía tây của đất nước. Tuy nhiên, quân Mỹ đã bị loại khỏi cơ sở này vào năm 2011, khi mối quan hệ của Mỹ với Pakistan trở nên căng thẳng.

Hiện tại, bất kỳ thỏa thuận nào cũng đều phải giải quyết một thực tế khó chịu rằng chính phủ Pakistan từ lâu đã ủng hộ Taliban. Trong các cuộc thảo luận giữa các quan chức Mỹ và Pakistan, người Pakistan đã đưa ra một loạt yêu cầu đối với Mỹ. 

Giám đốc CIA William J. Burns trong chuyến thăm đến Pakistan. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Cụ thể, Pakistan đã yêu cầu Mỹ cho họ được quyền "duyệt trước" bất kỳ mục tiêu nào mà CIA hoặc quân đội Mỹ muốn tấn công ở bên trong Afghanistan, theo ba nguồn thạo tin từ phía Mỹ.

Ông Burns đã thực hiện một chuyến thăm không báo trước trong những tuần gần đây tới Islamabad, Pakistan, để gặp chỉ huy quân đội Pakistan và người đứng đầu Inter-Services Intelligence - cơ quan tình báo quân sự của đất nước.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd J. Austin III đã thường xuyên có các cuộc điện đàm với chỉ huy quân đội Pakistan về việc nhận được sự giúp đỡ của đất nước cho các hoạt động tương lai của Mỹ ở Afghanistan, theo các các nguồn thạo tin.

CIA dần bi quan

Các báo cáo tình báo quân sự về Afghanistan gần đây cho thấy CIA ngày càng bi quan. Cơ quan này đã cảnh báo về sự trỗi dậy của Taliban và các nhóm chiến binh khác ở phía nam và phía đông. Đồng thời, CIA cũng lo ngại rằng Kabul (Afghanistan) có thể rơi vào tay Taliban trong vòng vài năm và sẽ trở thành nơi trú ẩn an toàn cho các chiến binh muốn tấn công phương Tây.
Từ lâu, CIA đã dần nhận thấy sự cần thiết phải có sự hiện diện lâu dài để thu thập thông tin tình báo ở Afghanistan. Theo các nhân viên CIA, việc thu thập thông tin tình báo phải được tiếp tục thực hiện sau khi quân đội Mỹ hoàn tất rút quân khỏi đây.
Tuy nhiên, hiện Mỹ vẫn chưa có một kế hoạch dài hạn để giải quyết vấn đề ở một quốc gia mà họ đã tiêu tốn hàng nghìn tỉ USD và mất hơn 2.400 quân trong gần hai thập niên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm