Cựu Đại sứ Mỹ: Ông Tập chẳng quan tâm trừng phạt từ Washington

Hôm 19-4, cựu đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Max Baucus hôm đã kêu gọi Washington và Bắc Kinh tạm dừng chỉ trích lẫn nhau công khai và khuyến khích Mỹ nên cân nhắc lại chính sách trừng phạt với Trung Quốc, tờ The Straits Times đưa tin.

Cựu đại sứ Mỹ tại Trung Quốc (từ năm 2014 đến năm 2017) - ông Max Baucus phát biểu tại Diễn đàn Châu Á Bác Ngao tổ chức ở Hải Nam (Trung Quốc) rằng "những lời chỉ trích công khai gây ra nhiều vấn đề hơn là giải quyết". Ông khẳng định “có những vấn đề giữa hai nước chúng ta nên được thảo luận kín hơn là công khai”.

Bên cạnh đó, ông cũng kêu gọi Mỹ xem xét lại chính sách trừng phạt. Theo ông các lệnh trừng phạt có rất ít tác động đến mục tiêu mà Mỹ nhắm đến. Thậm chí, trên thực tế các lệnh trừng phạt này có xu hướng phản tác dụng. 

Cựu đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Max Baucus. Ảnh: REUTERS

Theo ông Baucus, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có vẻ không quan tâm quá nhiều đến các lệnh trừng phạt của Mỹ, dù là về Hong Kong, Tân Cương hay bất cứ nơi nào.

Ngoài ra, ông Baucus nói rằng các nhà lãnh đạo hai bên và truyền thông Trung Quốc cần ngừng thổi bùng ngọn lửa chủ nghĩa dân tộc ở cả hai nước để các nhà lãnh đạo hai nước có thêm cơ hội thể hiện quan điểm trong các cuộc đàm phán.

Phát biểu trên được đưa ra trong bối cảnh hai nền kinh tế hàng đầu thế giới luôn đối đầu nhau trong hàng loạt vấn đề từ thương mại cho đến công nghệ. Washington đã trừng phạt các quan chức Trung Quốc vì vi phạm nhân quyền ở Tân Cương và Hong Kong, và liệt một số công ty công nghệ Trung Quốc vào danh sách đen vì cáo buộc những công ty này đe dọa an ninh quốc gia Mỹ.

Trong khi đó, cũng phát biểu trong Diễn đàn Bác Ngao, cựu đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Chu Văn Trọng kêu gọi Washington tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc và gọi vấn đề Đài Loan là "lằn ranh đỏ" mà Mỹ không nên vượt qua. Bắc Kinh luôn coi Đài Loan là một tỉnh ly khai đang chờ thống nhất dựa trên cơ sở chính sách “một Trung Quốc”.

Gần đây, Mỹ đã có những động thái thể hiện sự gần gũi hơn với Đài Loan, đơn cử như việc chính quyền Washington cho phép các quan chức của mình tiếp xúc công khai với các đối tác ở hòn đảo này.

Giáo sư Kishore Mahbubani của Viện Nghiên cứu Châu Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore cho biết các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới cần được cải tổ, bắt đầu với việc đóng góp bắt buộc của các thành viên. Ông cho rằng điều này sẽ giúp đưa thế giới trở lại trật tự sau Thế chiến II.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm