Theo tờ South China Morning Post, việc thành lập và cơ chế hoạt động của các văn phòng này từ lâu đã là một vấn đề nan giải trên bàn đàm phán của hai nước, do phía Trung Quốc lo ngại rằng nếu để cho quan chức Mỹ tiến hành kiểm tra và giám sát các chính sách của mình sẽ dẫn tới các nguy cơ về xâm phạm chủ quyền và lãnh thổ.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc. Ảnh: AFP
Nhưng thoả thuận mới đây được cho là đã xua tan những suy nghĩ của Bắc Kinh, khi nó cũng cho phép nhân sự Trung Quốc quyền kiểm tra các hành động của Mỹ. Một số nhà quan sát cho rằng sự nhượng bộ này chứng tỏ cả hai bên đang rất mong muốn đi đến một thoả thuận cuối cùng.
Trả lời phỏng vấn báo chí, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết ông đã có một điện đàm “hiệu quả” với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc vào tối hôm 9-4. Ông cũng tiết lộ sẽ có một cuộc điện đàm khác với ông Lưu vào hôm nay 11-4.
“Chúng tôi gần như đã thống nhất được về cơ chế giám sát thực hiện thỏa thuận. Cả hai bên sẽ lập văn phòng giám sát để giải quyết các vấn đề phát sinh. Chúng tôi rất chú trọng việc thi hành các cam kết”, ông Mnuchin nói.
Ngoài ra, cũng theo Bộ trưởng, tập tài liệu về thoả thuận Mỹ-Trung đã dài hơn 150 trang và vẫn đang được đàm phán.
Kể từ khi hai nước bắt đầu đàm phán kết thúc chiến tranh thương mại, Washington luôn khăng khăng rằng tất cả những cam kết nào của Trung Quốc đều phải có khả năng thi hành và tiến trình đó phải được giám sát bằng một cơ chế chung. Tuy nhiên, Bắc Kinh lo ngại điều này sẽ cho phép Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ của nước này, bên cạnh việc Mỹ có thể tái áp đặt thuế quan bất cứ lúc nào.
Trong suốt buổi phỏng vấn, ông Mnuchin không nói rõ liệu các quan chức Mỹ tham gia giám sát có phải trực tiếp đến Trung Quốc để làm việc hay không, nhưng đa số các nhà phân tích cho rằng sự có mặt của các văn phòng này sẽ cho phép hai nước cải thiện các công tác liên lạc lẫn nhau.
“Đây là một thoả thuận có thể mở đường cho đối thoại giữa hai nước”, ông Wang Huiyao, Chủ tịch Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hoá đặt tại Trung Quốc nhận định.
Ông nói thêm: “Trung Quốc có thể dùng các văn phòng này để giám sát liệu các công ty Trung Quốc có bị phân biệt đối xử hay không. Chẳng hạn như trường hợp họ không được Uỷ ban Đầu tư Nước Ngoài Mỹ duyệt các khoản đầu tư”.
Zhang Zhexin, một chuyên gia về Mỹ tại Viện Quốc tế học Thượng Hải, nhận xét Trung Quốc đã thể hiện “một sự chân thành tuyệt đối và quyết tâm muốn ký được một thoả thuận với Mỹ” khi đồng ý cho thành lập các văn phòng giám sát này.
Về cách hoạt động của chúng, ông Zhang tin rằng các văn phòng trên sẽ là “một tổ chức nhà nước chung” được một uỷ ban chung điều hành. Nhân sự sẽ được chọn từ các cơ quan trọng yếu của hai chính phủ Mỹ-Trung. Về phía Trung Quốc, uỷ ban này nhiều khả năng sẽ do Quốc vụ viện đảm trách, trong khi ở Mỹ là Nhà Trắng.
“Những văn phòng này sẽ được hai bên cung cấp quyền lực lớn nhất có thể”, ông nói.
Mặc dù vậy, chuyên gia Zhang Zhexin cũng bày tỏ một số lo ngại cơ quan này sẽ không đủ sức làm dịu mức độ canh tranh kinh tế giữa hai nước, cũng như không đủ sức ngăn cản trường hợp Mỹ vì một lý do nào đó tiếp tục áp thuế lên Trung Quốc.
“Nhưng ít nhất chúng sẽ cung cấp một nền tảng vững chắc để giải quyết các xung đột trong tương lai một cách có trách nhiệm và có tính xây dựng", ông Zhang kết luận.