Suốt gần 45 năm, giữa Ấn Độ và Trung Quốc (TQ) duy trì một loạt thỏa thuận, bằng văn bản hoặc phi văn bản, để giữ ổn định khu vực dọc biên giới đang tranh chấp giữa hai nước. Tuy nhiên, các xung đột với mức thương vong cao cùng các động thái quân sự của TQ khiến quan hệ hai nước trở nên khó lường hơn, làm gia tăng rủi ro xảy ra tính toán sai lầm. Tình thế này đòi hỏi Ấn Độ cần phải đề ra một sách lược mới, trong đó có cân nhắc đến việc tận dụng vấn đề đòi ly khai của Tây Tạng để gây sức ép với TQ.
Vấn đề Tây Tạng
Theo tạp chí The Diplomat, sau vụ 20 binh sĩ Ấn Độ tử trận do đụng độ với quân TQ ở Galwan vào giữa tháng 6, có thể cảm nhận rõ dư luận Ấn Độ đang hình thành một tâm lý tức giận và tiêu cực với giới lãnh đạo Bắc Kinh. Tại Ấn Độ xuất hiện ngày càng nhiều lời kêu gọi New Delhi phải phản ứng cứng rắn hơn với TQ như tăng cường quan hệ đối tác với Đài Loan, tăng ủng hộ cho vùng Tây Tạng và nhà lãnh đạo tinh thần Đạt Lai Lạt Ma.
Cụ thể, khoảng 10 ngày sau cuộc đụng độ Galwan, thủ hiến bang Arunachal Pradesh (Ấn Độ) - ông Pema Khandu gọi thẳng đường biên giới giữa nước này với TQ chạy qua lãnh thổ Tây Tạng là “biên giới Ấn Độ - Tây Tạng” - gián tiếp bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với khu vực này.
Liên quan đến phát ngôn của ông Pema Khandu, có ba điểm đáng lưu ý sau: (1) Ông đưa ra phát ngôn đó tại một cuộc họp của quân đội Ấn Độ ở chốt biên phòng Bum La nằm sát hai trong tám điểm tranh chấp giữa nước này và TQ; (2) Ông là thành viên của đảng cầm quyền Nhân dân Ấn Độ (BJP); (3) Nhiều phần đất của bang Arunachal Prades bị Bắc Kinh ra yêu sách chủ quyền, đòi gộp chung với vùng phía nam Tây Tạng mà TQ đang kiểm soát. Những thông tin này cho thấy phát ngôn của ông Khandu có trọng lượng nhất định, thể hiện những tính toán chính trị của New Delhi nói chung.
Trên thực tế, Ấn Độ lâu nay thỉnh thoảng cũng đả động đến vấn đề Tây Tạng mỗi khi có mâu thuẫn với TQ. Điều này đương nhiên rất được lòng các nhà hoạt động chính trị ở Tây Tạng - những người trong một thời gian dài đã rất mong được New Delhi hậu thuẫn tích cực. Một nhà văn Tây Tạng tên Tenzin Tsundue trong một cuộc trả lời phỏng vấn với tờ Deccan Chronicle hồi tháng 7 đã nhắc lại lời ông Khandu và tán thành rằng biên giới nói trên phải được gọi là “biên giới với Tây Tạng chứ không phải là biên giới với TQ”.
Binh sĩ Ấn Độ làm nhiệm vụ tại biên giới Ấn - Trung chạy qua vùng Ladakh tranh chấp vào tháng 4-2019. Ảnh: INDIA TODAY
Vào năm 2018, tổ chức hoạt động vì quyền lợi của người dân Hindu Rashtriya Swayamsevak Sangh (RSS), vốn có quan hệ mật thiết với BJP, đã lập luận rằng cần phải đánh giá lại chính sách của Ấn Độ đối với vấn đề Tây Tạng. Theo tổ chức này, nếu khu vực này vẫn nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền Bắc Kinh, Ấn Độ sẽ phải chịu sức ép duy trì an ninh rất lớn đến từ khu vực này và con đường tiến ra Nam Á sẽ bị hạn chế.
Trong một bài bình luận trên tờ Business World, ông Krishan Varma - cựu giám đốc Cơ quan tình báo đối ngoại Ấn Độ, nêu ra một số lý do vì sao phải đánh giá lại chính sách của Ấn Độ về Tây Tạng. Ông này lập luận rằng một cách tiếp cận mới của Ấn Độ trong chính sách đối với Tây Tạng “thực sự có khả năng gây ra sự xáo động lớn trong khu vực nhạy cảm của TQ” và New Delhi có thể làm tốt việc gắn kết chính sách của mình về vấn đề này với Mỹ.
Tương tự, một bài xã luận trên tờ The Hindustan Times của Ấn Độ cũng cho rằng New Delhi cần có cách tiếp cận thẳng thắn và nhất quán hơn đối với Tây Tạng. Theo tờ báo này, trong khi Ấn Độ tiếp tục tôn trọng các lợi ích cốt lõi của TQ thì TQ lại không hồi đáp tương ứng. Bài viết kêu gọi phải tôn vinh Đạt Lai Lạt Ma bằng giải thưởng dân sự cao nhất của Ấn Độ, đồng thời kêu gọi nước này nêu cao các quyền của người Tây Tạng trên các diễn đàn quốc tế.
Khả năng nổ ra xung đột giữa Ấn Độ và TQ đến nay vẫn tương đối thấp. Tuy nhiên, nếu có chiến tranh thì lực lượng không quân sẽ quyết định thành bại của mỗi bên. Về điểm này thì Ấn Độ nhỉnh hơn vì không quân TQ vẫn còn thua kém nhiều về mặt kỹ thuật và hậu cần. Cựu thiếu tướng không quân Ấn Độ MANMOHAN BAHADUR |
Ấn Độ vẫn nên cẩn trọng
Dù hàng loạt ý kiến kêu gọi Ấn Độ ủng hộ một Tây Tạng độc lập, nhiều chuyên gia lại có quan điểm thận trọng, cảnh báo New Delhi nên tính toán thật kỹ trước khi sử dụng vấn đề Tây Tạng trong quan hệ với TQ. Đơn cử, tờ The Hindu trong một bài viết năm 2018 nhận định ý tưởng sử dụng Tây Tạng trong đối phó Bắc Kinh là quá lạc hậu khi nhìn vào thực trạng vùng tự trị này. Theo đó, văn hóa và đời sống vật chất của người dân nơi đây ngày càng liên kết chặt chẽ với đại lục, bên cạnh một lượng lớn người TQ đang sinh sống tại khu vực này. Nếu ủng hộ Tây Tạng độc lập thì New Delhi sẽ giải quyết những vấn đề này như thế nào?
Tờ này nêu thực tế New Delhi và người Tây Tạng đều đã chấp nhận chính sách một TQ, công nhận Tây Tạng là một phần lãnh thổ của TQ. Vì vậy, các nỗ lực sử dụng vấn đề Tây Tạng chỉ làm TQ tức giận thêm mà không đem lại lợi ích rõ ràng nào cho Ấn Độ.
The Diplomat cũng cho rằng dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Narendra Modi, Ấn Độ trong các năm qua cũng không có cách tiếp cận cụ thể và nhất quán nào đối với Tây Tạng, chỉ đề cập khu vực này trong các tuyên bố chính trị liên quan tới TQ.
Vào tháng 12-2016, Đạt Lai Lạt Ma được mời tới phủ tổng thống Ấn Độ ở New Delhi trong một sự kiện tôn vinh những người đoạt giải Nobel, bất chấp sự phản đối của TQ. Đến tháng 7-2017, trong bối cảnh xung đột ở Doklam giữa TQ và Ấn Độ, nhà lãnh đạo Lobsang Sangay của chính quyền Tây Tạng lưu vong được phép treo cờ Tây Tạng ở vùng Ladakh.
Tuy nhiên, sau khi New Delhi và Bắc Kinh tiến hành đàm phán sau đó thì Ấn Độ lại đảo ngược quan điểm ủng hộ, cố gắng giảm sự hiện diện của người Tây Tạng ở Ấn Độ, thậm chí còn ngăn các quan chức của chính quyền Tây Tạng lưu vong dự lễ kỷ niệm 60 năm ngày Đạt Lai Lạt Ma đi lưu vong.
Ấn Độ thử thành công công nghệ tên lửa siêu thanh Tờ The Times of India đưa tin Cơ quan Nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO) ngày 7-9 đã phóng thử thành công một mô hình mô phỏng tên lửa siêu thanh từ đảo Wheeler ở ngoài khơi bang Odisha. Mô hình này sử dụng động cơ scramjet (động cơ phản lực luồng tĩnh siêu âm) và được phóng lên bằng tên lửa đẩy Agni. Cuộc thử nghiệm kéo dài khoảng 5 phút và mô hình được đưa lên độ cao khoảng 30 km trước khi tách ra khỏi tên lửa đẩy và bay với vận tốc gấp sáu lần vận tốc âm thanh trong hơn 20 giây. Hiện Ấn Độ là nước thứ tư trên thế giới sau Mỹ, Nga và TQ phát triển và thử nghiệm thành công công nghệ tên lửa siêu thanh. Nước này dự kiến phát triển thành công tên lửa bội siêu thanh trong vòng năm năm tới. |