Liên minh châu Âu duy trì quan hệ hàng hải 'không mấy thoải mái' với Trung Quốc

Trang tin tức của Viện Hải quân Hoa Kỳ (USNI News) dẫn lời Phó đô đốc Herve Blejean - lãnh đạo Bộ Tham mưu Quân sự Liên minh châu Âu (EUMS) – ngày 2-12 cho biết khi đánh giá hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông, 27 thành viên EU nhìn thấy mối đe dọa đối với an ninh của khối. Tuy nhiên, họ cũng coi Bắc Kinh là đối tác trong đối phó nạn cướp biển ở Ấn Độ Dương.

Ông Bléjean cho biết EU nhận ra rằng liên minh phải “kết nối với các quốc gia cùng chí hướng để đối phó một số hoạt động từ Biển Đông đến Biển Đen”, những khu vực nơi “Trung Quốc bắt nạt các quốc gia nhỏ hơn và Nga đã điều hơn 90.000 quân dọc biên giới Ukraine”.

Tàu sân bay Charles de Gaulle của Pháp. Ảnh: HẢI QUÂN PHÁP 

Dẫn chứng về việc xem Trung Quốc là một mối đe dọa trước mắt, ông Bléjean cho biết “cứ hai năm một lần, Trung Quốc lại mở rộng lực lượng hải quân để tăng cường sự hiện diện trên biển".

Theo ông Bléjean, tài liệu “La bàn Chiến lược mới” của EU, dự kiến được công bố vào tháng 3-2022, sẽ xem xét vai trò hàng hải mở rộng của liên minh ở khu vực Thái Bình Dương.

Tài liệu thừa nhận “sự cần thiết phải có tầm nhìn từ trên xuống nhiều hơn” về an ninh và các phân tích của EU sẽ tính toán đến “những mối đe dọa mới mà liên minh sẽ phải đối mặt trong năm đến 10 năm tới”, ông Bléjean cho hay.

Các mối đe dọa này sẽ trải dài về địa lý đến các lĩnh vực, từ không gian vũ trụ, không gian mạng đến trên biển và trên không.

“Chúng tôi thấy rất rõ vai trò lãnh đạo của Mỹ ở khu vực trong việc duy trì luật pháp quốc tế ở Biển Đông” - ông Bléjean cho biết.

Theo ông, một lý do khiến EU nhìn nhận một cách chiến lược hơn về an ninh Thái Bình Dương chính là việc Pháp coi mình là “một quốc gia ở Thái Bình Dương”, cũng như việc có các vùng lãnh thổ với hơn 1,8 triệu dân ở khu vực.

“Có nhiều lực kéo hơn để nhiều quốc gia hướng tới khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để thể hiện cam kết của họ cùng Washington và Tokyo trong việc duy trì trật tự quốc tế đã thiết lập và bảo vệ các lợi ích thương mại mở rộng với khu vực” – ông Bléjean cho hay.

Ông Bléjean đặc biệt đề cập sự hiện diện hải quân của Anh, Đức và Pháp.

Phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, ông Bléjean cho biết hợp tác giữa các quốc gia EU trong việc đối phó nạn cướp biển ở Ấn Độ Dương đang “hoạt động khá tốt” khi các quốc gia thành viên tăng cường hiện diện hải quân ở Vịnh Guinea.

Theo ông Bléjean, việc xây dựng tài liệu “La bàn chiến lược” liên quan khả năng của EU trong việc hành động để đối mặt những thách thức mới. 

Tài liệu cũng chỉ ra những cách thức hoạt động trong quan hệ đối tác giữa EU với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Mỹ, Anh, Liên Hợp Quốc và Liên minh châu Phi trong tương lai.

Ông Bléjean cho biết một thành phần giúp mang lại hiệu quả hơn trong quan hệ đối tác là việc EU thành lập một lực lượng gồm 5.000 người để ứng phó các cuộc khủng hoảng, chẳng hạn sơ tán dân thường. 

Theo ông, một lực lượng như vậy sẽ mang lại cho EU sự linh hoạt hơn và tốc độ ra quyết định thông qua các kế hoạch phản ứng trước các mối đe dọa và thách thức.

“Theo thỏa thuận được đề xuất này, EU không sở hữu gì. Sức mạnh của EU là cách tiếp cận tổng hợp trong việc quản lý một cuộc khủng hoảng từ các lựa chọn quân sự đến khôi phục chính quyền dân sự” – ông Bléjean nói thêm.

Ông Bléjean cho biết Vương quốc Anh sẽ được đề cập trong tài liệu "La bàn chiến lược". 

“An ninh không phải là một phần của quyết định Brexit, vì vậy khía cạnh này sẽ là chủ đề của các cuộc đàm phán trong tương lai. Tuy nhiên, chúng ta đang ở trên cùng một con tàu“ – ông Bléjean đề cập các mối đe dọa trên lục địa và ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm