Mổ xẻ cam kết tái thiết của Taliban ở Afghanistan sau khi Mỹ rút quân

Theo tờ South China Morning Post (SCMP) ngày 12-7, Taliban tuyên bố đang nắm quyền kiểm soát 85% đất nước Afghanistan và đưa nhiều cam kết đổi mới.

Tuy nhiên, các tuyên bố này đã khiến giới phân tích hoài nghi

Sự hiện diện của al-Qaeda

Trước đó, người phát ngôn Suhail Shaheen của Taliban nói với SCMP rằng al-Qaeda đã là chuyện của quá khứ và sẽ không được phép hoạt động ở Afghanistan, đồng thời tuyên bố không còn bất kỳ thành viên nào của al-Qaeda ở Afghanistan.

Taliban cũng khẳng định sẽ tuân thủ thỏa thuận hòa bình Doha ký với Mỹ vào tháng 2-2020. Cụ thể, lực lượng này đã cam kết không cho phép bất kỳ cá nhân, nhóm hoặc tổ chức nào nhân danh Afghanistan để thực hiện các cuộc tấn công chống lại Mỹ, các đồng minh của Mỹ hoặc "bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới".

Một binh sĩ Quân đội Quốc gia Afghanistan đứng gác ở cổng căn cứ không quân Bagram. Ảnh: REUTERS 

Ngoài ra, ông Suhail cũng cho biết Taliban sẽ không cho phép bất kỳ hoạt động chiêu mộ hay đào tạo quân đội nào được diễn ra và ngăn chặn tất cả các hình thức gây quỹ cho bất kỳ nhóm nào ở Afghanistan.

Tuy nhiên, giới phân tích đã tỏ ra nghi ngờ các phát ngôn nói trên.

Ông Colin P. Clarke, giám đốc chính sách & nghiên cứu của The Soufan Group, một công ty tư vấn an ninh và tình báo, cho biết al-Qaeda "chắc chắn vẫn ở Afghanistan", với khoảng 400-600 chiến binh ở cả hai bên biên giới Afghanistan-Pakistan.

Theo ông Clarke, Taliban sẽ không phá vỡ quan hệ với al-Qaeda và thực sự không có lý do để làm như vậy.

Ông Clarke cho biết việc Mỹ rút khỏi Afghanistan có thể là "động lực chính xác mà al-Qaeda cần để hồi sinh" và xây dựng lại mạng lưới. Điều này có thể giúp al-Qaeda vượt trội hơn Tổ chức Nhà nước Hồi giáo và thu phục được tân binh ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới.

Các chiến binh al-Qaeda. Ảnh: MWI.USMA.EDU

"Hiện tại, khả năng tiến hành các cuộc tấn công chống lại phương Tây còn hạn chế, nhưng tôi nghĩ nó sẽ phát triển trong những tháng tới" - chuyên gia Clarke nói.

Tuy nhiên, ông Clarke tin rằng có thể có xích mích giữa Taliban và al-Qaeda khi tổ chức này "phát triển mạnh hơn" và bắt đầu tìm kiếm quyền tự chủ lớn hơn.

Ông Nishank Motwani, một chuyên gia về các vấn đề Afghanistan cho biết việc loại bỏ al-Qaeda sẽ không xảy ra. Theo ông, Al-Qaeda sẽ phát triển mạnh dưới sự quản lý của Taliban, giống như cách Taliban phát triển dưới sự giám hộ của Pakistan.

Một báo cáo của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc công bố hồi tháng 6 cho thấy al-Qaeda hiện diện ở ít nhất 15 tỉnh của Afghanistan, chủ yếu ở các khu vực phía đông, nam và đông nam.

"Các thành viên của nhóm đã được Taliban di dời đến các khu vực xa hơn để tránh bị lộ và bị nhắm mục tiêu" - báo cáo cho biết. 

Cũng theo báo cáo, "al-Qaeda duy trì liên lạc với Taliban" nhưng đã giảm thiểu các hoạt động liên lạc công khai với giới lãnh đạo Taliban để không làm ảnh hưởng cam kết ngoại giao mà Taliban đã đưa ra trong thỏa thuận Doha.

Báo cáo cũng chỉ ra chiến lược riêng của al-Qaeda trong thời gian tới là duy trì nơi trú ẩn an toàn truyền thống ở Afghanistan cho giới lãnh đạo cốt cán của mình.

Xây dựng hình ảnh mới

Khác với quá khứ, giới lãnh đạo hiện tại của Taliban nói tiếng Anh, có khả năng ngoại giao và có thể tiếp cận các phương tiện truyền thông thế giới.

Nhóm cũng cho biết họ hoan nghênh và sẽ bảo vệ "an ninh" cho công dân của tất cả các quốc gia muốn giúp Afghanistan trong quá trình "tái thiết", bao gồm cả những người từ Trung Quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Nishank, giọng điệu ngoại giao của Taliban là nhằm "đạt được sự công nhận của quốc tế" và "tính hợp pháp cho sự quản lý của họ".

Trong giai đoạn 1996-2001, Taliban chỉ nhận được sự công nhận của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Saudi Arabia và Pakistan.

Bình đẳng giới

Taliban cho biết họ sẽ cho phép phụ nữ đi làm và trẻ em gái được đi học.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Nishank, Taliban chưa bao giờ thực hành hoặc tin tưởng vào sự tiến bộ của quyền của phụ nữ hoặc trẻ em gái, và khái niệm về quyền là "xa lạ với họ do bản chất thần quyền và cách giải thích thuần túy của các văn bản tôn giáo".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm