Theo hãng tin AFP, trong một thông báo đưa ra hôm 11-8, Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ cho biết hàng hóa nhập khẩu từ Hong Kong sẽ phải được dán nhãn “sản xuất tại Trung Quốc” sau ngày 25-9.
Động thái trên xảy ra tiếp sau việc Trung Quốc áp đặt luật an ninh quốc gia tại Hong Kong và quyết định của Mỹ chấm dứt quy chế ưu đãi đặc biệt dành cho đặc khu này của Trung Quốc.
Bước đi mới nhất của Mỹ được dự đoán sẽ làm leo thang căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất toàn cầu, vốn ngày càng “cơm không lành, canh không ngọt” xung quanh vấn đề thuế suất và việc xử lý dịch COVID-19.
Ảnh minh họa. Ảnh: BUSINESS STANDARD
Với động thái trên, các công ty Hong Kong sẽ phải bị áp cùng thuế suất “chiến tranh thương mại” như các nhà xuất khẩu Trung Quốc nếu họ sản xuất hàng hóa thuộc diện chịu các mức thuế này.
Thông báo của Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ cho biết trong thời hạn 45 ngày kể từ khi ra thông báo, hàng hóa Hong Kong “phải bị dán nhãn cho thấy nguồn gốc là Trung Quốc”.
Bước đi ngày 11-8 được thực hiện sau khi Mỹ xác định Hong Kong "không còn đủ tự chủ để bảo đảm cho sự đối xử khác biệt trong mối quan hệ với Trung Quốc", theo hãng tin Reuters.
Hôm 7-8, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 11 quan chức Hong Kong và Trung Quốc, bao gồm Đặc khu trưởng Hong Kong Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) với cáo buộc hạn chế quyền tự do ở thuộc địa cũ của Anh.
Để trả đũa, Trung Quốc hôm 10-8 đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 11 công dân Mỹ, bao gồm cả các nhà lập pháp từ Đảng Cộng hòa của Tổng thống Donald Trump.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin hôm 10-8 cho biết các công ty từ Trung Quốc và các quốc gia khác không tuân thủ những tiêu chuẩn kế toán của Mỹ sẽ bị hủy niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán của nước này từ cuối năm 2021.