Quân đội Mỹ cáo buộc Nga vận chuyển vũ khí sang Libya hỗ trợ cho lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của Nguyên soái Khalifa Haftar – điều vốn vi phạm lệnh cấm vận vũ khí.
Theo kênh Al Jazeera, hôm 24-7, Bộ Chỉ huy quân đội Mỹ tại châu Phi (AFRICOM) cho biết những hình ảnh vệ tinh cho thấy các máy bay vận tải quân sự của Nga, trong đó có IL-6 vận chuyển vũ khí cho các tay súng thuộc nhà thầu quân sự tư nhân Wagner Group của Nga đang tham chiến ở Libya.
Quân đội Mỹ hôm 24-7 công bố ảnh vệ tinh cho thấy sự can thiệp của Nga ở Libya. Ảnh: CNN
AFRICOM cho rằng đây là bằng chứng ngày càng tăng việc Nga can thiệp vào xung đột Libya.
“Những hình ảnh phản ánh phạm vi tham gia rộng lớn của Nga. Họ tiếp tục nỗ lực thiết lập chỗ đứng ở Libya” – Thiếu tướng Gregory Hadfield, phó giám đốc tình báo của AFRICOM nói trong một tuyên bố đăng trên website.
“Thiết bị phòng không của Nga, trong đó có SA-22 (Pantsir S1) xuất hiện tại Libya và do Nga, Wagner Group hoặc lực lượng ủy nhiệm của họ vận hành” – tuyên bố viết.
AFRICOM còn cung cấp hình ảnh cho thấy những xe tải của Wagner Group và xe bọc thép của Nga hoạt động gần TP Sirte, sát các mặt trận xung đột giữa lực lượng ông Haftar và lực lượng chính phủ Tripoli.
Tuyên bố nói thêm chủng loại và số lượng vũ khí cho thấy ý định hướng tới khả năng hành động tác chiến lâu dài.
Tuyên bố của AFRICOM cảnh báo Nga trong nỗ lực thiết lập sự hiện diện lâu dài ở Địa Trung Hải đã thúc đẩy tình trạng hỗn loạn ở Libya, làm tăng nguy cơ tính toán sai lầm và dẫn tới bạo lực không cần thiết.
Lực lượng chính phủ Tripoli bảo vệ khu vực Abu Qurain, nằm giữa thủ đô Tripoli và TP Benghazi. Ảnh: Mahmud Turkia/AFP
Trước đó, quân đội Mỹ cáo buộc Nga đưa 14 tiêm kích tới căn cứ Jufra của ông Haftar. Mỹ còn cáo buộc lính đánh thuê của Wagner Group cài mìn và thiết bị nổ tự chế trong các khu dân sự của thủ đô Tripoli.
Hồi tháng 5, một báo cáo mật bị rò rỉ của Liên Hợp Quốc xác nhận Wagner Group đưa 1.200 lính đánh thuê sang Libya chiến đấu cho lực lượng ông Haftar. Báo cáo dài 57 trang nói rằng Wagner Group triển khai lính đánh thuê làm những nhiệm vụ quân sự chuyên biệt, trong đó có nhóm bắn tỉa.
Cả Nga và LNA đều phủ nhận những cáo buộc trên của quân đội Mỹ.
Lực lượng ông Haftar nhận được sự hỗ trợ từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Ai Cập và Nga. Trong khi đó, Chính phủ Hòa hợp Dân tộc (GNA) của Libya được quốc tế công nhận do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.
Quốc hội Ai Cập mới đây cũng đã thông qua luật cho phép triển khai quân ra bên ngoài đất nước. Trước đó, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi dọa dùng hành động quân sự chống lại lực lượng được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn ở Libya.
Sự hiện diện của lực lượng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tại Libya cùng với viễn cảnh Ai Cập đưa quân sang đây khiến một số quan chức Mỹ lo ngại về sự leo thang lớn trong cuộc xung đột ở quốc gia Bắc Phi này, theo đài CNN.
Hôm 22-7, phái đoàn Nga và phái đoàn Thổ Nhĩ Kỳ gặp nhau tại Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ) để thảo luận về cuộc chiến Libya.
Hai bên nhất trí thúc đẩy các nỗ lực đạt được lệnh ngừng bắn lâu dài ở Libya, theo Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong một tuyên bố chung sau cuộc gặp, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí hợp tác và khuyến khích các bên đối lập ở Libya tạo ra những điều kiện nhằm thiết lập lệnh ngừng bắn lâu dài và vững chắc cũng như tiến tới đối thoại chính trị.