Theo hãng tin Reuters, chính quyền Moscow hôm 15-3 đã tuyên bố rút khỏi Hội đồng châu Âu, cơ quan giám sát nhân quyền hàng đầu của lục địa này.
Phó Chủ tịch Duma Quốc gia Pyotr Tolstoy, Trưởng phái đoàn nghị sĩ Nga tại Hội đồng Nghị viện Ủy hội châu Âu (PACE), cho biết quyết định trên được đưa ra cùng với bức thư của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov thông báo việc nước này quyết định rời khỏi Hội đồng châu Âu.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Hội đồng châu Âu đang chuẩn bị xem xét việc trục xuất Nga khỏi cơ quan này vì chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine.
Hội đồng châu Âu sau đó cũng xác nhận rằng họ đã nhận được bức thư từ Moscow. Kể từ khi được thành lập sau Thế chiến thứ 2, Nga là quốc gia thứ 2 quyết định rời khỏi Hội đồng châu Âu.
Quốc gia có động thái tương tự là Hy Lạp vào năm 1969, cũng để tránh việc bị trục xuất, sau khi một nhóm sĩ quan quân đội giành chính quyền trong một cuộc đảo chính quân sự. Quốc gia này gia nhập trở lại Hội đồng châu Âu sau khi khôi phục nền dân chủ 5 năm sau đó.
Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal phát biểu trước Hội đồng Nghị viện Ủy hội châu Âu ở Strasbourg, Pháp, vào ngày 14-3. Ảnh: REUTERS
Hội đồng châu Âu được thành lập vào năm 1949 sau Thế chiến thứ 2. Mãi tới năm 1996 Nga mới gia nhập vào cơ quan này.
Việc Nga rút khỏi Hội đồng châu Âu mang một ý nghĩa biểu tượng, song quyết định, được công bố vài giờ trước cuộc bỏ phiếu của các nước thành viên Hội đồng châu Âu về việc trục xuất Nga, cũng có những hậu quả cụ thể.
Theo đó, công ước nhân quyền sẽ không còn áp dụng đối với Nga và người Nga sẽ không còn có thể khiếu nại lên Tòa án Nhân quyền châu Âu chống lại chính phủ của họ.
Giải thích về sự ra đi của mình, Nga cáo buộc các nước phương Tây đang phá hoại Hội đồng châu Âu. Cơ quan này đã đình chỉ tư cách thành viên của Nga vào hôm 25-2, một ngày sau khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Ông Leonid Slutsky, chủ tịch ủy ban đối ngoại Hạ viện Nga, cáo buộc các nước NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) và Liên minh châu Âu (EU) coi Hội đồng châu Âu là "một phương tiện hỗ trợ ý thức hệ cho việc mở rộng ảnh hưởng quân sự-chính trị và kinh tế của họ sang phía đông".
Trong một bản nghị quyết được soạn thảo vào ngày 14-3 và được thông qua vào ngày 15-3 sau thông báo của Moscow, Hội đồng châu Âu cho rằng việc loại bỏ Nga khỏi cơ quan này là điều đúng đắn:. “Trong ngôi nhà chung châu Âu, không có chỗ cho kẻ xâm lược”.
Nghị quyết, được các nước thành viên nhất trí thông qua, cho biết tác động của việc Nga rút khỏi cơ quan giám sát nhân quyền của châu Âu sẽ không nhiều do Moscow trước đó đã không tuân thủ đúng các thỏa thuận của mình.
“Quyết định hôm nay không chống lại người dân Nga, mà là chống lại chế độ chuyên quyền, độc đoán, áp bức của Tổng thống Nga Vladimir Putin” - Cựu Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou, hiện là thành viên Quốc hội của Hội đồng châu Âu, nhấn mạnh.
“Đất nước của tôi, Hy Lạp, đã bị trục xuất khỏi Hội đồng châu Âu vào những năm 1970, quyết định này đã củng cố cuộc đấu tranh vì dân chủ và tự do của chúng tôi” - ông Papandreou chia sẻ thêm.