Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng Moscow có bằng chứng cho thấy Mỹ có kế hoạch duy trì lực lượng ở Syria vô thời hạn, sẽ hỏi trực tiếp Washington về vấn đề này.
“Chúng tôi gần đây nhận được thông tin khác nhau từ nhiều nguồn khác nhau. Chúng tôi không thể xác nhận ngay bây giờ, và chúng tôi muốn hỏi trực tiếp người Mỹ về chuyện này. Họ có thể ra quyết định không bao giờ rút khỏi Syria, ngay cả đến mức phá hủy nước này ” – ông Lavrov nói tại cuộc họp báo với người đồng cấp Afghanistan Mohammad Hanif Atmar hôm 26-2, theo hãng tin Sputnik.
Lính Mỹ nhìn về phía biên giới Thổ Nhĩ Kỳ từ Manbij (Syria). Ảnh: DW
Bình luận về cuộc không kích trong đêm nhằm vào nhóm dân quân thân Iran ở miền Đông Syria hôm 25-2, ông Lavrov cho biết phía Mỹ chỉ gửi cảnh báo cho phía Nga vài phút trước khi tiến hành tấn công.
“Quân đội chúng tôi nhận được cảnh báo trước cuộc tấn công chỉ 4-5 phút. Tất nhiên, ngay cả khi chúng tôi bàn về việc giảm xung đột theo như thông lệ trong mối quan hệ giữa quân nhân Nga và Mỹ thì điều này chẳng có ý nghĩa gì cả. Đây là kiểu thông báo khi cuộc không kích đã được tiến hành” – ông Lavrov nói.
Bên cạnh những lo ngại quân sự, ông Lavrov cho rằng không thể coi những cuộc không kích một cách tách biệt với thực tế là Mỹ hiện diện bất hợp pháp ở Syria, vi phạm tất cả quy tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về hòa giải ở Cộng hoà Ả Rập Syria.
Cạnh đó, người đứng đầu về ngoại giao của Nga chỉ trích Washington vì việc nước này cố gây sức ép lên những quốc gia khác nhằm ngăn việc cung cấp viện trợ nhân đạo tới Syria, cũng như cản trở nỗ lực tái thiết Syria.
Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh bên cạnh kênh giảm xung đột quân sự, Moscow coi việc Nga-Mỹ khôi phục các liên lạc tại Syria ở cấp độ chính trị-ngoại giao là rất quan trọng.
“Chúng tôi hy vọng chính quyền mới của Mỹ sẽ sớm thành lập các nhóm cho mục đích này” – ông Lavrov nói.
Mỹ thiết lập chỗ đứng vững chắc ở miền Nam Syria năm 2016, và binh sĩ Mỹ cùng đồng minh người Kurd bắt tay đẩy lùi tổ chức khủng bố Nhà nước hồi giáo tự xưng (IS) ở miền Đông Syria trong thời gian năm 2016-2017.
Sau khi kiểm soát các vùng lãnh thổ của Syria, Washington không cho phép những khu vực này được bàn giao lại cho chính phủ Syria, thay vào đó giúp lực lượng người Kurd thành lập một nhà nước bán tự trị ở phía đông bắc Syria.
Đông bắc Syria là nơi tập trung hầu hết các nguồn tài nguyên dầu khí của Syria. Mặc dù còn khiêm tốn so với một số nước ở vùng Vịnh, nhưng những nguồn tài nguyên ở Syria đủ đảm bảo khả năng tự cung cấp năng lượng của đất nước và kiếm được một khoản thu từ xuất khẩu trước khi nổ ra xung đột năm 2011.
Trong thời gian làm tổng thống Mỹ, ông Donald Trump nhiều lần tuyên bố rằng lực lượng Mỹ còn ở lại Syria để “lấy dầu”.
Chính quyền ông Biden dù không đưa ra những tuyên bố như vậy nhưng vẫn triển khai quân và thiết bị đến và ra khỏi đông bắc Syria.
Tình báo quân đội Nga ước tính quân đội Mỹ, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và các công ty dầu của Mỹ cùng đồng minh người Kurd đã kiếm khoảng 30 triệu USD mỗi tháng từ những hoạt động này.